vietsoul21

Posts Tagged ‘Tổ quốc’

“Tổ quốc trên hết”

In Cộng Đồng, Chính trị (Politics), Tạp văn on 2015/04/16 at 23:42

Những ngày tháng Tư cận kề ngày Quốc Hận, Quốc Nạn này sống ở trên đất người làm tôi nhớ về một đất nước chưa từng ngày ấy.

Một đất nước chưa từng vì chia đôi và nửa kia gây chinh chiến tóc tang. Một đất nước chưa từng vì tinh hoa chưa bừng phát đã thắt trắng khăn tang. Một đất nước chưa từng bởi siêu cường phản bội. Một đất nước chưa từng vì nhuộm đỏ độc tài.

Cũng đã khá lâu tôi rồi không còn muốn về quê hương đất tổ dù trong lòng luôn luôn thương nhớ. Nghịch lý nào gieo rắc trong tôi? Số phận nào giáng họa cho tôi?

Mảnh đất khổ chết yểu. Nụ hoa tự do chưa nở hoa kết trái thì giang sơn nhuộm đỏ một màu. Thời kỳ độc tài, thời kỳ nô lệ và bắt đầu kỷ nguyên Bắc thuộc lần thứ Năm?

Mọi sự khởi đầu từ ngày tham gia cách mạng vô sản của cộng sản quốc tế đến nhận nhiệm vụ tiền đồn xã hội chủ nghĩa “Đánh Mỹ là đánh cho Liên Xô – Trung Quốc”. Để rồi kết cuộc “đổi đời” đầy tớ lên ngôi.

Chế độ nội-thực-dân nô dịch đỏ[1] áp đặt trên toàn cõi Việt Nam, không còn hai miền hai chế độ. Những thái thú lộ dạng nguyên hình thế chấp bán đất, bán biển, bán người, trao thân làm nô lệ.

Ở thời kỳ Bắc thuộc lần thứ Tư “Những người hợp tác với quân Minh được đưa sang Trung Quốc để học hành một thời gian rồi đưa về phục vụ trong bộ máy cai trị tại Giao Chỉ. Điều đó nằm trong chính sách dùng người Việt trị người Việt của nhà Minh.”

Ở kỷ nguyên Bắc thuộc thế kỷ 21 này thì ngoài việc thành viên ban chấp hành trung ương đảng đi chầu[2] thì cán bộ đảng, sĩ quan quân đội, công an, thành đoàn[3] được đưa sang Tàu học hành để trở về cai trị nước Việt.

Cai trị bằng chính sách hộ khẩu rập khuôn của Trung Quốc để “quản lý” người dân. Đó là sợi dây thòng lọng thắt cổ người dân. Nó vi phạm mọi quyền con người và quyền công dân và biến người dân thành người nô lệ mới[4].

Chế độ sở hữu toàn dân đểu cáng lên ngôi, so sánh nào thua thời Bắc thuộc nhà Minh bên Tàu “Giáo mác đầy đường đâu cũng thấy tham quan cường bạo. Tài nguyên cả nước thành một đống tro tàn.[5] Vũng Áng đã là vũng bán. Bô-xít Tây Nguyên trái bom tấn bùn đỏ[6] lấp chìm cơ nghiệp mưu sinh của nông dân[7] và ô nhiễm môi trường sống của người dân.

“Tổ Quốc Trên Hết” luôn là câu nằm lòng trên chót lưỡi đầu môi của miệng quan trôn trẻ đảng csvn và dư luận viên.

“Tổ Quốc Trên Hết” là khẩu hiệu rỗng tuếch để lấp liếm cho mọi chính sách độc tài, áp bức, nội-thực-dân nô dịch đỏ. “Tổ Quốc Trên Hết” bị đảng bắt cóc làm con tin buộc người dân phải hứng chịu mọi thiệt hại[8], lầm than, và tang tóc bởi chủ trương, chính sách, và luật lệ(nh) lợi đảng, hại dân.

“Tổ Quốc Trên Hết” là cả vú lấp miệng những bất đồng chính kiến đòi hỏi dân chủ tự do.

“Tổ Quốc Trên Hết” thì cớ gì “Còn đảng còn mình”, “Trung với đảng, hiếu với dân”, “Mừng đảng mừng xuân”, “Đảng csvn quang vinh muôn năm”.

Sau 30-4-75 thì nhiều người miền Nam như tôi đã trực giác rờn rợn cái đổi đời của một đất nước “thống nhất” thâu về một cõi. Tổ quốc của tôi đã một cõi (âm) đi về.

Bốn năm trời (1975-1979) đời tôi có đảng (đì) thì hết họp nhóm, họp tổ, học chính trị, học nghị quyết và thấm nhuyền đạo đức cách mạng để trở thành “con người mới”. Đảng thiết kế và rèn luyện con người mới bằng cách cấy bộ óc con lừa. Ban tuyên huấn, tuyên truyền và loa phường ra rả.

Để sống sót tôi học đòi con vẹt.

Tôi học thuộc và lập lại nguyên văn tất cả những lời tuyên giáo, tuyên truyền trả bài tất tần tật như một con vẹt. Họ (muốn) nắm[9] cái đầu nhưng không nắn được bộ não, tư tưởng.

Tôi không biến thành con lừa. Dù họ dạy “đảng đã cho ta sáng mắt sáng lòng”, họ bảo “từ ấy trong tôi bừng nắng hạ”, và ra rả “yêu nước là yêu chủ nghĩa xã hội”.

Tôi yêu tự do, không chấp nhận thân phận con lừa nên tìm đường vượt thoát.

Hơn 35 năm sống ở quê người tôi chưa hề phải nghe “Tổ Quốc Trên Hết” ở cái xứ sở này. Chính quyền đương nhiệm và các ứng cử viên dù đảng phái nào cũng chỉ quảng cáo “vì dân” để kiếm phiếu bầu cho họ. Họ dẫn chứng tạo công ăn việc làm, giảm giá cả hàng hóa, nhu yếu phẩm, tiền lời thấp để tăng khả năng tiêu thụ, nâng cao dân sinh và coi “người dân trên hết”. Họ đưa ra chính sách giảm thuế, điều tiết kinh tế, giữ lạm phát thấp để khoan sức dân[10].

Ở xứ tư bản “bóc lột” này thì họ tìm cách cho công nhân có năng suất cao, tạo lợi nhuận thặng dư để kiếm lời. Họ để cho công nhân có tiền xài, mua máy móc, mua xe, mua nhà kích thích tăng trưởng kinh tế vì dân giàu thì nước mạnh. Họ tạo điều kiện sở hữu tư nhân để tích lũy tài sản và đầu tư phát triển.

Ở xứ sở “Tổ Quốc Trên Hết” của xã hội chủ nghĩa Việt Nam siêu việt thì sở hữu toàn dân nên tất cả thâu về một túi. Túi của trung ương đảng csvn và nhà nước (ăn cướp). Họ dùng sở hữu toàn dân để thâu tóm và tẩu tán cái chung để tích lũy tài sản cho riêng tư và nhóm lợi ích. Quan chức lớn nhỏ vùng miền vơ vét. Hết thế chấp đất đai rồi bán rừng, bán đất, bán biển, bán cảng. Hết chặt cây trên rừng thì chặt cây thành phố[11]. Hết đào xới tài nguyên vùng sâu vùng xa thì cưỡng chế[12] ngay thành phố cho gần. Cướp đất cướp nhà “Độc lập tự do nằm co vệ đường”[13] dân lang thang thành người vô sản dân oan[14].

“Tổ Quốc Trên Hết” ắt phải nằm trong Nghị quyết 36 đầy “tình tự dân tộc” cho “khúc ruột ngàn dặm”. Khúc ruột tượng của người Việt hải ngoại trên toàn thế giới mà nhà nước csvn hàng năm đã rút về xấp xỉ 12 tỷ đô la gần bằng 1/10 tổng sản phẩm quốc nội. Thế cho nên “Bài học đầu cho con” của nhà thơ Đỗ Trung Quân được phổ qua nhạc phẩm “Quê Hương” và “cải biến” thêm “nếu không nhớ, sẽ không lớn nổi thành người[15]. Không nhớ, không (đem tiền) về thì sẽ không lớn nổi thành người!?

Tôi không còn muốn về quê hương đất tổ dù trong lòng luôn luôn thương nhớ. Đó không phải là một nghịch lý. Nào còn một tổ quốc cho người dân Việt trong kỷ nguyên Bắc thuộc mới.

Tổ quốc lê lết. Tổ quốc bê bết. Tổ quốc tế thần.

Tổ quốc trên hết?

© 2015 Vietsoul:21

[1] nội-thực-dânnô dịch đỏ, Vietsoul:21

[2] Vừa đến Bắc Kinh, Nguyễn Phú Trọng đã vội vàng ký kết 7 thỏa ước với Tập Cận Bình, blog Dân Làm Báo. Từ không nhân nhượng đến hợp tác bình đẳng, blog Người Buôn Gió. Tuyên bố chung hai nước Việt Nam và Trung Quốc, VNExpress.

[3] Thanh niên là sứ giả thúc đẩy tình hữu nghị Việt – Trung, doanthanhnien.vn

[4] Hộ Khẩu: Một thứ khôi hài, vô lý và ngu ngốc, blog Triết Học Đường Phố

[5] “Giáo mác đầy đường đâu cũng thấy quân Minh cường bạo. Sách vở cả nước thành một đống tro tàn.”, Ngô Sĩ Liên

[6] Thủ tướng: ‘Lo ngại về bùn đỏ bô xít đã được giải tỏa’, VNExpress

[7] Lâm Đồng: Nông dân “khóc ròng” vì bùn đỏ đổ về, VTV Cần Thơ

[8] 

Nhân dân Bình Thuận dùng bom xăng “giao lưu” với cảnh sát cơ động tối 15/4/2015

[9] “Nắm, nắm cái con cặc”, Trần Dần

[10] “Khoan thư sức dân để làm kế bền gốc, sâu rễ, đó là thượng sách giữ nước.”, Trần Hưng Đạo

[11] Hà Nội không vội… mà sao chặt cây thì nhanh thế? –  Tiếp tục biểu tình chống chặt phá cây xanh tại Hà Nội, blog Dân Làm Báo

[12] CA Hà Nội cướp đất, đàn áp khốc liệt nông dân Dương NộiCA cướp đất, đánh người tàn bạo ở Dương Nội 25/04/2014

[13] “Người Việt gốc me”, RFA

[14] Dân oan Long An nổ bình hàn gió đá, tạt axit làm bị thương lực lượng cưỡng chế thu hồi đất, Dân Luận.
Long An: Dân oan liều chết ném bom xăng, tạt axit chống trả CA cướp đất, Dân Làm Báo

[15] Nhà thơ Đỗ Trung Quân: Câu cuối của bài Quê Hương không có trong nguyên bản, RFA

Võ Thị Hảo – Ngày tang khốc cho dân tộc Việt Nam

In Chính trị (Politics), Liên Kết, Tạp văn on 2013/12/02 at 18:16

28/11/2013, ngày mà Quốc hội khóa VI thông qua bản Hiến pháp sửa đổi (HP), với tỉ lệ tán thành gần tuyệt đối 95,9% đã tiếp nối bữa tiệc mừng kéo dài của một nhóm quyền lợi gần như vô giới hạn, nhưng lại là một ngày tang khốc cho tự do và nhân quyền của người dân Việt Nam.

 

Hiến pháp mới sửa đổi gạt ra ngoài những quyền lợi quan trọng của dân, theo tác giả

Tại điều 4 của HP này quy định đặc quyền cho đảng cộng sản VN là lực lượng lãnh đạo xã hội, với chủ nghĩa Mác – Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia trong nước và quốc tế thì đó là một sự thụt lùi hoàn toàn về dân chủ so với HP 1946 cách đây đã gần một thế kỷ bởi chính điều này sẽ biến tất cả những quy định khác về tự do và nhân quyền của người dân VN ghi trong HP và các bộ luật khác trở thành giả hiệu.

Trong lời nói đầu của HP ghi rằng”nhân dân Việt Nam (VN) xây dựng, thi hành và bảo vệ Hiến pháp này”. Điều đó có đáng tin?

Ông Uông Chu Lưu, Phó chủ tịch QH đã trả lời PV báo Tuổi trẻ(ngày (29/11/2013): “… quá trình tham gia, quá trình chỉ đạo sửa đổi Hiến pháp thì có thể nói rằng đây là một quá trình thể chế hóa cương lĩnh, cụ thể hóa những điểm lớn, những mục tiêu lớn mà Đảng đã đề ra”.

Thực tế là người dân có góp ý về dự thảo HP, nhưng đây là HP của QH, dưới chỉ thị trực tiếp của đảng, và HP đã gạt ra ngoài những điều cơ bản nhất để bảo vệ cho quyền lợi nhân dân, chẳng hạn như quyền sở hữu về đất đai, và quy định Đảng Cộng sản (Đảng CS) là lực lượng lãnh đạo xã hội VN như trên. Trong các chương quy định về quyền tự do và quyền con người, nghe có vẻ kêu, nhưng lại chốt đuôi một “thòng lọng” khiến tiếp nối tình trạng lạm dụng và vô hiệu hóa các quyền đó như đã xảy ra lâu nay: “ công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật”.

Người dân VN đã quá cay đắng khổ ải với câu “Theo quy định của pháp luật” này. Nghĩa là, sẽ tiếp tục thảm trạng muôn thuở tạo điều kiện cho nhà cầm quyền ban hành vô số luật và văn bản dưới luật trái HP để hạn chế quyền của người dân, tạo lợi ích cục bộ và kẽ hở cho tham nhũng, tiếp tục ưu tiên những tập đoàn, doanh nghiệp độc quyền thụt két nhà nước hàng tỷ USD, đẩy VN tới bên bờ vực của sự vỡ nợ khốn đốn khi nợ công đến nay đã vượt 95% GDP, có người cho rằng là 105%, (ngưỡng an toàn là dưới 60%) nếu tính cả phần nhà nước bảo lãnh cho Vinashin như thực tế đã diễn ra ngày một trầm trọng nhưng trong HP vẫn quy định “doanh nghiệp nhà nước là lực lượng chủ đạo…”.

Chủ nhiệm UB Pháp luật của QH Phan Trung Lý nhận định, việc ban hành các văn bản hướng dẫn không đảm bảo nhiều yếu tố về thời hạn, tính hợp hiến, tính hợp pháp, tính thống nhất của hệ thống pháp luật, quy trình, thủ tục ban hành văn bản cũng bị vi phạm. Việc này ảnh hưởng trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức, làm giảm hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước, làm mất ý nghĩa thực tiễn của các văn bản pháp luật. Không chỉ ban hành chậm, trong số 1.761 văn bản của Bộ trường, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, đã có 223 văn bản có dấu hiệu vi phạm…, không đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất của hệ thống pháp luật…Trong một số trường hợp là do lợi ích cục bộ của bộ, ngành (theo Đầu tư và chứng khoán, 22/10/2013).

Tình trạng vi hiến của các Bộ ngành và vô số tổ chức, cá nhân nắm quyền lực khác đã diễn ra kể từ khi có mặt thể chế độc tài, ngày càng nghiêm trọng và không thể khắc phục được, dù ở các bộ ngành đều có những bộ phận phụ trách pháp chế. Vi hiến là một tội rất nặng, mang tính bất tuân luật pháp và phá hoại đất nước, nhưng những người soạn và ban hành những văn bản vi hiến, phạm luật lại không hề hấn gì, vẫn ngang nhiên tồn tại, vi hiến và thăng tiến tiếp. Biết tình trạng đó, nhưng HP này vẫn bỏ ra ngoài đề xuất về cơ chế bảo hiến, chẳng hạn như Tòa án HP, nghĩa là các tổ chức và cá nhân có quyền lực cứ tiếp tục vi phạm khi họ muốn.

‘Dung dưỡng tham nhũng’

 

Hiến pháp tiếp tục mở đường cho tham nhũng nhà nước lộng hành, theo tác giả

Thực tế đã chứng minh, môi trường thể chế ấy đã sinh ra và dung dưỡng vô số những kẻ lạm dụng – tham nhũng. Đó là loài “đỉa – người” đang hút kiệt xương máu của nhân dân.

Theo báo cáo của Viện kiểm sát nhân dân Tối cao, việc xử lý hành vi tham nhũng cẫn còn tình trạng lạm dụng để xử lý kỷ luật hành chính, không khởi tố vụ án, đình chỉ vụ án. Tham nhũng trong các cơ quan tư pháp cũng diễn ra nghiêm trọng, chiếm 10% các vụ án tham nhũng đã phát hiện trong toàn quốc (kể từ 1/10/2010 đến 30/4/2013).

Theo một khảo sát quốc tế trong năm 2011, người lao động thu nhập thấp (dưới 2 đôla/ngày) chiếm 18,2% dân số VN (16,1 triệu người), người lao động thu nhập 5 đôla/ngày chiếm đến 70,4% dân số (63,1 triệu người). Tổng số khoảng 79,2 triệu người so với khoảng 89,2 triệu dân tại Việt Nam, theo TBKTSG Online.

Số dân nghèo ấy cho đến năm 2013 thì càng kiệt quệ thêm do khủng hoảng kinh tế, do bất ổn kinh tế với hàng chục ngàn doanh nghiệp phá sản, ngừng kinh doanh mỗi năm và do thất nghiệp, đặc biệt do lũ lụt gây ra bởi thiên tai và thủy điện xả lũ “hủy diệt” nhiều mạng người và tài sản, môi trường sống của người dân. Trong khi đó, giá của các mặt hàng độc quyền như điện, xăng dầu, giáo dục, y tế, dịch vụ, các loại phí, lệ phí đều tăng phi mã.

Đã thế trên đầu mỗi người dân, tỉ lệ nợ công cũng tăng vụt. Tính đến ngày 24/11/2013, mỗi người dân VN, kể cả đứa trẻ mới sinh ra, cũng phải gánh trên vai mình hơn 18.000.000đ nợ cho một chính phủ hoạt động kém hiệu quả và để tham nhũng tràn lan, ở mức một trong những nước đứng đầu thế giới về chỉ số tham nhũng.

Theo TS Vũ Quang Việt- nguyên Vụ trưởng vụ Tài khoản Quốc gia của cơ quan thống kê Liên hiệp quốc, thì nợ công VN lên tới 105% GDP, vượt xa so với con số báo cáo của CP và vượt xa ngưỡng an toàn(65%) cho một nền kinh tế, vẫn theo TBKTSG Online.

Cứ 3 tháng, người dân VN, thông qua ngân sách quốc gia, lại oằn lưng trả khoảng 1 tỉ USD tiền nợ công thay cho những kẻ “hút máu” của đất nước. Trong đó, khối doanh nghiệp nhà nước, được ưu đãi mọi cơ hội từ cơ chế, sự độc quyền, vốn…đã đem lại những khoản nợ khổng lồ.

Báo cáo của nhóm chuyên gia trong Ủy ban kinh tế của QH kết luật rằng khu vực DNNN “có quy mô lớn nhưng hoạt động kém hiệu quả đã góp phần kéo dài giai đoạn suy thoái kinh tế của Việt Nam hiện nay”.

Thế nhưng những con nợ kếch xù ấy vẫn được QH ưu đãi tiếp trong HP “DN nhà nước giữ vai trò chủ đạo”.

‘Không đáng ngạc nhiên’

Tỷ lệ tán thành cao vì Quốc hội là của Đảng, theo tác giả

Tỉ lệ tán thành thông qua HP gần như tuyệt đối ấy không đáng ngạc nhiên. Nó đã được “cài đặt” từ trong thành phần của QH, khi hơn 90% Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) là đảng viên cộng sản, và hầu hết đều đang nằm trong hoặc dính dáng tới hệ thống quyền lợi của bộ máy thể chế hiện tại. Họ chọn bỏ phiếu ưu tiên cho quyền lợi mình và nhóm mình.

Có thể thấy rõ, HP độc đảng là bấu víu sống còn của hệ thống tham nhũng VN. Để tha hồ tham lam, cấu kết cướp bóc và hành ác với dân bằng mọi giá để thu lợi riêng, để không phải chịu trách nhiệm về bất cứ việc gì, họ phải bằng mọi giá có được một HP hỗ trợ cho thể chế khiếm khuyết bằng mọi giá. Những tiếng nói trung chính trong QH cực kỳ hiếm hoi và bị át đi bởi dàn đồng ca rầm rộ cho quyền lợi riêng, quyền lợi nhóm mà đi ngược lại quyền lợi của nhân dân và đất nước.

Khi HP ấy được thông qua, đó là lúc tiếng kèn xung trận của lũ tham nhũng, dối trá, vô trách nhiệm, bán nước, tàn hại đất nước cũng vang lên chói tai, cố tình át tiếng khóc và tiếng kêu của hàng chục triệu dân lương thiện.

Khi đó sẽ tiếp tục là tháng năm dằng dặc của những người nông dân bị cướp đất, là những đêm đen tham nhũng, những lãnh đạo thụt két công quỹ, tiếp tục những doanh nghiệp nhà nước độc quyền bóp chết những doanh nhiệp tư nhân, tiếp tục sự tăng giá vô tội vạ nhằm vét máu mỡ của dân để chi tiêu vô độ, những dự án ma, những kẻ rút ruột hàng ngàn hàng ngàn tỉ, của nạn nhà chức trách kết hợp côn đồ ăn hiếp dân lành, là nạn suy đồi đạo đức và văn hóa, là nạn bằng giả tràn lan, vô số người hành nghề y tế đợi dân ốm đau để xâu vào moi móc tiền bạc như giống diều quạ ăn trên xác chết…

Đó sẽ là bản trường ca như nhiều người đã nhận định: cả VN chỉ có một Tổng biên tập là Ban tuyên giáo trung ương” nên sự thật lại tiếp tục bị bưng bít, tiếp tục vô số vụ oan án vì bức cung ép cung, chạy án và án bỏ túi. Và những “trái bom nước” sẽ tiếp tục nổ trên đầu người dân, mà những kẻ vận hành điềm nhiên một tay tận diệt rừng quốc gia, một tay bỏ tiền vào túi riêng, một tay “bấm nút bom nước nổ” giết hàng loạt dân và tận diệt tài sản, môi trường sống của họ mà không thèm báo trước để họ chạy tìm đường sống nhưng vẫn được nhà chức trách bảo kê bằng câu “xả lũ đúng quy trình”.

Không phải không tiên liệu trước điều này, nhưng những ai còn chưa vô cảm, còn quan tâm đến tương lai đất nước vẫn không thể không thêm một lần chít chiếc khăn tang khốc cho tự do và nhân quyền của người VN.

‘Đỉa – người, thể chế’

Làm sao có thể không buồn đau khi chính HP này đã khước từ thời cơ tránh cho VN họa ngoại xâm, nguy cơ nội loạn, diệt trừ được loài đỉa – người tham nhũng đang đeo bám hút máu trên cổ người dân VN để làm lành mạnh thể chế?!

Làm sao không là tang khốc cho đất nước, trước việc kéo dài những “lỗi hệ thống, lỗi thể chế” dẫn tới hàng trăm hàng ngàn con đỉa – người kếch xù đeo bám vĩnh viễn hút máu trên cổ người dân?!

Hơn 90% dân số Việt Nam ‘đang chưa chọn’ là Đảng viên CS

Loài đỉa thật chỉ hút máu no thì tự rơi xuống, chúng chỉ kiếm máu đủ nuôi bản thân chúng mà thôi. Nguy hại hơn, những con đỉa – người đó hút máu không biết thế nào là no chán, chúng không ngơi tích trữ hàng kho máu, hồ máu, sông máu cho lũ con cháu nhiều đời sau.

Chúng hút máu no kễnh mà không rụng xuống, vì chúng đã biến thành “ma cà rồng” và được nâng đỡ bảo vệ bởi những khiếm khuyết thể chế.

Và ngay cả so sánh những kẻ đó với ma cà rồng cũng là xúc phạm cả ma cà rồng, vì ma cà rồng dù ác nhưng cũng chỉ hút máu đủ no nuôi thân chúng trong vài ngày rồi đến lúc đói lại mới lại đi hút máu tiếp.

Điều gây phẫn nộ đối với người VN là có cơ sở từ công lý đương nhiên. HP không có quyền loại trừ sự tồn tại của Đảng Cộng sản hoặc ép buộc một nhóm người nào đó từ bỏ chủ nghĩa Mác – Lê nin, nhưng tuyệt đối không được phép quy định quyền lãnh đạo độc tôn của đảng Cộng sản hay bất kỳ đảng phái khác, vì ngoài đảng này, HP không được tước đoạt quyền bình đẳng của hơn 90% người VN khác.

Hơn 90% người VN này hiện đang chưa chọn là đảng viên Cộng sản, không lựa chọn chủ nghĩa Mác – Lê nin làm nền tảng, vì thế, không có lý do gì lại chấp nhận sự lãnh đạo độc tôn của đảng cộng sản. Nhiều người trong số họ có thể không biết đến HP, nhưng họ biết thực tế nhỡn tiền rằng, ngay cả những nước vốn là cái nôi kếch xù của cộng sản như Đông Đức, Liên Xô và khối Đông Âu, sau khi theo đuổi chủ nghĩa này trong hơn nửa thế kỷ, cũng đã phải ghê sợ từ bỏ ngay từ thập kỷ 90 của thế kỷ trước.

‘Chờ Quốc hội thật’

Bởi vậy mới càng đau xót rằng, người VN dù đã đổ bao xương máu để dựng lên và nuôi dưỡng thể chế này, nhưng chưa bao giờ có được một thành phần QH đủ khách quan và công bằng. Muốn có một QH “sạch” như vậy, ngoài việc được ứng cử và bầu cử một cách tự do và dân chủ không giả hiệu, họ phải khước từ mọi chức vụ trong các cơ quan công quyền…. Đây là điều tối thiểu phải có đối với một QH – nghị viện đúng nghĩa, mà HP Mỹ và nhiều nước phát triển trên thế giới đã quy định và bảo vệ như con ngươi của mắt mình:

“Không một Thượng nghị sĩ nào hoặc một Hạ nghị sĩ nào trong suốt nhiệm kì của mình, có quyền được bổ nhiệm giữ một chức vụ hành chính nào thuộc thẩm quyền Hiệp Chúng Quốc sẽ được thành lập sau này, và có một số lương bổng sẽ được tăng gia trong nhiệm kì đó; và không một người nào đã giữ bất cứ một chức vụ nào trong chính phủ Hiệp Chúng Quốc có quyền được là một nhân viên của bất cứ viện nào trong hai viện, trong khi hãy còn giữ chức vụ trong chính phủ, theo Phụ bản 1: Hiến pháp của Hợp chủng quốc Hoa kỳ ngày 4/3/1789.

Tu chính án Hiến pháp Hợp chủng quốc Hoa Kỳ cũng quy định: “Nghị viện sẽ không thảo một đạo luật nào để thiết lập một tôn giáo hoặc để cấm đoán tự do tôn giáo; để hạn chế tự do ngôn luận hoặc tự do báo chí; hoặc để hạn chế quyền của dân chúng được hội họp ôn hòa và đưa lên chính phủ các điều thỉnh cầu bày tỏ những nỗi bất bình của họ”.

Từ ngày lập quốc đến nay, VN đã luôn bỏ qua điều kiện tối thiểu này nên dẫn tới một QH mà theo đánh giá của nhiều chuyên gia là sau khi thông qua HP 2013 đã “có tội với người dân và đất nước VN”.

Những quy định được nhiều người bất bình cho là “cưỡng đoạt” quyền lợi của nhân dân” trong HP mới đã ngay lập tức gây ra một làn sóng phản đối mạnh mẽ trên mạng truyền thông xã hội trong và ngoài nước, dù còn nằm trong đe dọa của Nghị định 72 và Nghị định 174/2013/NĐ-CP – hai Nghị định được ban hành dồn dập gần đây mà nhiều luật gia và Tổ chức nhân quyền, Hội Văn bút quốc tế …và nhiều nước cho là vi hiến, ngược lại những cam kết quốc tế về tự do ngôn luận và quyền con người.

Bên cạnh đó, một “Hội những người phản đối HP mới” đã được thành lập và ngay lập tức có tới hơn 1.000 thành viên được công bố công khai trên mạng Internet.

‘Dân mạnh hơn súng’


Tác giả cho rằng không thể sử dụng bạo lực để đối lại những đòi hỏi chính đáng về dân chủ, tự do của nhân dân

Nhiều nhân sĩ trí thức và những người ủng hộ cũng đã đưa ra “Bản tuyên bố phản đối HP mới”:

“… Như vậy, Quốc hội khóa XIII đã tự chứng tỏ không đại diện cho nhân dân và phải chịu trách nhiệm trước lịch sử và dân tộc; hiến pháp này không thật sự là hiến pháp của nhân dân và người dân có thể sử dụng quyền bất tuân dân sự của mình…”.

Bản tuyên bố này yêu cầu Đảng, CP và QH tôn trọng quyền tự do dân chủ của nhân dân, không để cho những quy định dưới HP vô hiệu hóa những quyền này và làm mọi việc để sắp tới có một cuộc bầu cử QH trung thực, đồng thời kêu gọi những người có lương tri trong giới cầm quyền cùng nhân dân cả nước, kiều bào nước ngoài”tiếp tục phát huy truyền thống yêu nước kiên cường, đoàn kết và hợp sức đấu tranh bằng các phương thức ôn hòa để thực hiện các quyền con người và quyền công dân của mình, để thúc đẩy tiến trình cải cách chính trị nhằm đưa đất nước ra khỏi khủng hoảng và lạc hậu, phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia”.

Người VN biết 28/11/2013 là ngày tang khốc cho tự do và nhân quyền VN, nhưng là để lương tri người người tiếp tục tỉnh thức, để không ngã lòng và tiếp tục kiên trì cho lẽ sống cùng chung tay phấn đấu cho công lý và bình đẳng cho mọi người VN.

Đương nhiên lịch sử sẽ ghi nhớ và phán xét về trách nhiệm của họ trước Tổ quốc, trước nhân dân vì đã chối bỏ mệnh lệnh của thời đại, tiếp tục tước đoạt thời cơ cho nhân dân VN có được một thể chế lành mạnh hợp tự nhiên, đã được quy định ngay trong Tuyên ngôn độc lập và HP 1946.

Bằng việc tiếp tục đặt cho mình vị trí độc tôn, qua HP và lần ‘sửa mà không đổi’ này, đảng cộng sản VN cũng đã tự triệt tiêu mọi cơ hội cho chính đảng này tự cắt bỏ những khối ung thư trong cơ thể mình để thoát khỏi tình trạng nguy ngập toàn diện hiện nay và để có năng lực cạnh tranh.

Nên nhớ, gươm súng là một sức mạnh, nhưng lịch sử loài người đã chứng tỏ lòng dân cuối cùng cũng mạnh hơn gươm súng.

Võ Thị Hảo

Nguồn: BBC

BS Hồ Hải – Khi Tổ Quốc – Danh Dự – Trách Nhiệm mất

In Chính trị (Politics), Kinh Tế, Liên Kết, Tạp văn, Văn Hóa on 2013/12/01 at 01:16

Ai đã từng sống ở miền Nam trước 1975 đủ để biết đọc thì cũng biết khẩu hiệu này ở các nơi công sở: Tổ Quốc – Danh Dự – Trách Nhiệm, vì nó nằm ngay cả trên Quốc hiệu quân đội của chế độ Việt Nam Cộng Hòa.

Thế nhưng, chính quyền Việt Nam Cộng Hòa đã không đủ khả năng để thực hiện khẩu hiệu này, sau khi cố tổng thống Ngô Đình Diệm và gia quyến ông bị tận diệt bỡi nhiều lý do, mà ngày nay vẫn còn nằm trong bí mật của lịch sử, để rồi miền Nam Việt Nam là “bên thua cuộc và bỏ cuộc”.

Ngày nay “bên thắng cuộc” đang giẫm lên con đường của “bên thua cuộc và bỏ cuộc”, không thực hiện được khẩu hiệu tối thượng này, khi danh lợi đang làm mờ mắt các nhóm lợi ích.

Hầu như hôm nay – cái thời đại mà người ta bảo rằng vinh quang và chói lọi nhất – bất cứ cái gì cũng bị các nhóm lợi ích thâu tóm, ngay cả hạt lúa giống ngay trên quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới này cũng bị các nhóm lợi ích nhảy vào để kiếm ăn, mà quên đi Tổ quốc, Danh dự và Trách nhiệm của một công dân. Khi ông giáo sư Võ Tòng Xuân phát biểu: “Một lý do quan trọng hơn là nhiều quan chức lại đứng đằng sau lưng những công ty nhập khẩu lúa giống Trung Quốc để kiếm lợi ích cá nhân, khuyến cáo nông dân nên trồng lúa Trung Quốc, không nên trồng giống lúa Việt Nam”.

Ngay cả làm văn hóa như việc trùng tu ngôi mộ của Thần Hầu Nguyễn Hữu Cảnh cũng chỉ vì tiền, nên tốn kém đến 19 tỷ đồng để phá nát di tích lịch sử một thời của người mở cõi. Ngay cả xe điện chạy quanh phố cổ Hà Nội mà, quận Hoàn Kiếm cũng có 71% cổ phần như lời ông chủ tịch quận này xác nhận. Quận là ai? Nhà nước là ai? Đảng là ai? Tất cả đều mơ hồ trong những ngôn từ để các nhóm quyền lợi tận hưởng, lời thì chả thấy nói năng, nhưng lỗ thì dân còng lưng trả thuế, phí bất hợp lý.

Lại nhớ câu chuyện, hôm trước có anh bạn Việt kiều chuyên nhập khẩu rác cao cấp về Việt Nam thua lỗ chổng gọng vì không bán được, đành bỏ cuộc. Số là anh làm hồ sơ mở một công ty chuyên xuất nhập khẩu, trong đó có lĩnh vực kinh doanh xuất nhập khẩu rác. Món hàng rác mà anh chọn là nhựa phế thải ở các bãi rác Hoa Kỳ mà có thể tái chế trở lại thành hạt nhựa PE – Polyethylene. Nhưng khi nhập khẩu về thì bán không ai dám mua, vì nó đã là của để dành cho các công ty khác, mà ngay cả nhà sản xuất tái chế cũng không dám tự nhập khẩu về để sản xuất, dù có được phép nhập để giảm giá thành sản phẩm.

Gần đây trong dân chúng, thông tin đại chúng, quốc hội, và cả những người lãnh đạo cao cấp trong đảng cầm quyền nói công khai về các nhóm lợi ích. Ai cũng phát biểu “đầy quyết tâm” xóa các nhóm lợi ích. Nhưng qua cuộc họp quốc hội thông qua “hiến pháp sửa đổi 2013” hôm 28/11/2013 cho thấy, các nhóm lợi ích đã trở thành tập thể đồng thuận lợi ích nhóm cầm quyền, ngay cả rác cũng không chừa. Cho nên, Tổ quốc, Danh dự và Trách nhiệm không còn giá trị trong hiện tại của tập thể nhóm lợi ích.

Khi Tổ Quốc, Danh Dự và Trách nhiệm bị bỏ rơi vì lợi ích, tha hóa thì ắt sẽ vong thân hơn là dấn thân và thăng hoa ắt sẽ trở thành sự sụp đổ theo như chủ nghĩa hiện sinh đã được thế giới công nhận và trao giải Nobel văn chương cho Jean Paul Sartre năm 1964.

Nguồn: blog BS Hồ Hải

Alan Phan – ĐI TÌM NGUỒN CỘI

In Cộng Đồng, Chính trị (Politics), Tạp văn, Văn Hóa on 2013/10/24 at 07:27

Đêm qua, tôi vẫn còn mơ màng giữa tỉnh và thức vì chưa quen với múi giờ mới của xứ Mỹ vừa quay lại. Bỗng giật mình vì comment của một bạn đọc,” Người mà không biết nguồn cội của mình thì không phải là con người.” Tôi khá quen với những tuyên bố quá khích của đủ loại nhân vật, đen đỏ tím vàng; nhưng vẫn sốc với những suy nghĩ…ngoài hành tinh của “một bộ phận không nhỏ”. Trước đó, anh bạn doanh nhân Nguyễn Văn Đực còn cả quyết là ngay cả ông già Alan vẫn muốn “rụng về cội” huống gì các bạn khác.

Tôi không biết sự nhắc nhở liên tục các khúc ruột ngàn dặm về “nguồn cội” này có liên quan gì đến số lượng kiều hối gần 12 tỷ USD năm nay? Nhưng nếu có một cụm từ bị lợi dụng thường xuyên trong lịch sử, đó là “tổ quốc, đất nước, dân tộc, quê hương…và nhẹ nhàng hơn, “nguồn cội”.

Tôi còn nhớ những ngày đầu tị nạn của 1975, nghèo khổ chạy khắp nơi tìm một chiếc xe cũ cho gia đình. Qua lời giới thiệu của TV, rồi bạn bè, chúng tôi chạy lên tận Rose Bowl ở Pasadena, dự buổi đấu giá xe dành cho dân nghèo. Tay chủ xị áo quần hình Cờ Hoa bảnh bao, văn chương hoa mỹ, bắt mọi người phải làm lễ chào cờ, rồi ca bài America the Beautiful, do cô con gái xinh đẹp dẫn dạo (không biết có là con gái thực không?).  Sau đó là những màn thủ thuật bịp bợm với giá cả còn cao hơn cả giá các xe ở Beverly Hills. Ngay cả dân nghèo tứ xứ cũng bị vài anh chị Mỹ trắng giàu có tìm cách móc túi. Từ đó, hễ làm ăn buôn bán mà dính vào …”tổ quốc” thì tôi chỉ ôm quần mà chạy.

Ngay cả triết thuyết “tam vô” (vô gia đình, vô tổ quốc, vô tôn giáo) của Đệ Tam Quốc Tế Cộng Sản cũng không ngăn Mao Trạch Đông mô tả cuộc cách mạng của mình là mang bản chất cốt lõi của dân tộc Trung Quốc. Vào thời Trung Cổ, dân du mục của Âu Châu (gypsies) bị các giáo sĩ Thiên Chúa thiêu sống vì họ không có “nguồn cội” (thuộc dòng giõi của quỷ). Gần đây hơn, cả triệu dân Do Thái cũng bị Đức Quốc Xã cho vào lò nướng vì nguồn cội …hơi khác người.

Khi dính đến quyền lợi hay quyền lực, cách dễ nhất để tranh đoạt chiến thắng là chụp một chiếc mũ to tướng lên đầu đối thủ, danh từ sử dụng càng to càng khó hiểu, càng hiệu lực. Dân thì chỉ khôn hơn lợn có vài bậc, nên rất nhất trí với các quan. Điều quan trọng là phải luôn coi phe nhóm mình là biểu tượng duy nhất của “tổ quốc, đất nước, dân tộc…gì đó, không ai có quyền bàn ra tán vào, ngay cả khi vài thủ hạ cao cấp có…hộ chiếu và tổ tiên …người Hán.

Nhưng khi ngồi chém gió với một số các “bộ phận không nhỏ” này, chính tôi cũng không yên ổn lắm với câu chuyện về nguồn cội của mình hay mọi người.

Nếu suy nguồn cội của tất cả loài người từ nguyên thuỷ, chúng ta đều bắt đầu bằng vài nguyên tử atom lạc lõng đâu ngoài vũ trụ. Cách đây trăm ngàn năm, thì nhân loại chỉ là một nhúm nhỏ cư dân tụ tập ngoài thềm lục địa Phi Châu, có chung tù trưởng, thầy pháp, công an và dân đen. Cách đây 10 ngàn năm, khi các bộ lạc đông đúc hơn và phải rời Phi Châu đi về Âu Á kiếm ăn, thì phần lớn gia đình di cư bên nhau để sống còn. Một giả thuyết là có khi ông tổ nội của Tưởng Giới Thạch có thể là tình nhân của ông tổ nội Đặng Tiểu Bình? (một học giả vừa xác định là hôn nhân đồng tính phát sinh từ 12 ngàn năm trước).

Cách đây 5 ngàn năm thì nguồn cội của dân tộc Việt là các khu dân cư dọc theo bờ sông Dương Tử; rồi trôi dạt về châu thổ sông Hồng. Dĩ nhiên, tôi không là một sử gia, nên rất mù mờ về lai lịch, nguồn cội của mọi người; nhưng tôi tin là nếu nhìn tất cả dưới lăng kính lâu dài của lịch sử; thì tất cả dân Việt, dân Tàu, dân Hàn, dân Ấn, dân Pháp…đều đã từng ăn mằm với nhau rất thắm thiết.

Rồi bây giờ, vì những biến động của lịch sử hình thành từ các xung đột quyền lợi, chúng ta phải phân loại nguồn cội và đối nhau như kẻ thù? Ngay cả khi ta cùng một tổ tiên, nhưng nếu có vài lãnh tụ nhanh tay cướp “bằng khoán” của đất nước, dân tộc…thì phần dân số còn lại phải nghe theo lệnh ban phát từ…nghị quyết của một thiểu số???

Chúng ta được “lệnh” là phải yêu tổ quốc qua bệ thờ của các lãnh tụ đã “hy sinh” cho hạnh phúc người dân. Cũng OK đi, dù cái chữ hạnh phúc này rất khó nuốt. Tuy nhiên, theo nhà thơ tư tưởng đỉnh cao Tố Hữu thì “thương cha thương một, thương ông (Stalin) thương mười”. Do đó, mỗi năm, cu Tèo nhà tôi có phải lên Google tìm bản đồ mộ của ngài Stalin để qua Nga khóc cho cái nguồn cội “vịt què” của mình? Hay là vì bác Chế Lan Viên có dặn là “bác Hồ ta đó chính là bác Mao” thì thị Hĩm nên xin visa chạy lên Tử Cấm Thành ở Bắc Kinh để khóc thương cho một người cha chung của dân tộc?

Suy ngẫm thêm về các dân tộc khác, tôi thấy cũng có nhiều quan điểm và hành xử tương phản nhau. Dân Do Thái lang thang khắp thế giới cả ngàn năm, chịu nhiều bạc đãi, mà không quan tâm lắm về nguồn cội của mình. Cho đến Thế Chiến 2 khi bị Đức Quốc Xã giết hại trong sự kiện gọi là Holocaust. Sau chiến tranh, họ về Palestine dựng nên quốc gia Israel và dân Do Thái khắp thế giới dồn tiền bạc và sức mạnh chính trị với lời thề là “never again” (không bao giờ sẽ có một holocaust thứ hai).

Tuy nhiên, khi tiếp xúc với những người Mỹ gốc Do Thái, chúng ta có thể thấy rõ là họ không ưa dân Israeli lắm. Sau bức màn PR, họ nghĩ cư dân của Israel là những anh chị không có văn hóa, ngạo mạn, tham lam và ích kỷ. Nhưng họ vẫn lobby mạnh cho mọi viện trợ quân sự, kinh tế cho Israel vì đây là “nguồn cội” (vả lại tiền của Âu Mỹ là tiền thuế chung của dân, một nguồn OPM lý tưởng).

Trong khi đó, nếu hỏi một gười gốc Ireland hay Poland ở Mỹ, tôi chắc chắn là họ sẽ hãnh diện tuyên bố họ là dân Mỹ, dù không dấu giếm gì gốc Irish hay Polish của họ. Nguồn cội không bao giờ là một đề tài.

Còn nếu “nguồn cội” là giải giang sơn gấm vóc, tiền rừng bạc biển mà tiền nhân đã dầy công vun đắp thì không gì quý hơn là dựng tượng các công thần đã hết sức phá rừng mấy chục năm nay, trồng cao su, xây thủy điện, bán gỗ nguyên sinh…đem cho con cháu chúng ta vài trận lụt kinh hoàng mỗi năm…để học kinh nghiệm. Còn các em trẻ đang vui đùa dưới dòng sông Thị Vải, thân thể đã được công ty bột ngọt Vedan tiêm không biết bao nhiêu là liều vắc xin ung thư miễn phí? Yêu nguồn cội đến thế thì thôi.

Trên hết, trí tuệ của vài ba thế hệ Việt đã được khai phá tận tình với nền giáo dục ưu việt mà chỉ Cu Ba hay Triều Tiên mới bắt kịp. Đây là điểm sáng ngàn đời của chúng ta, xây dựng vững bền một bức tường dân trí kiên định không đời nào địch có thể xuyên thấu.

Còn nếu theo suy ngẫm của tôi, quê hương nguồn cội…là những ký ức tuyệt vời của những ngày mới lớn, khi tâm hồn còn tinh khôi áo mới, thì cái đẹp chân thiện trong tâm linh đó làm sao mà mất được để cần ai phải bảo vệ hay tôi phải đóng thuế? Cái trí tuệ mà tôi đã tự do vun đắp qua đủ mọi sách vở và trải nghiệm có cần ai phải làm “giáo trình” theo lề trái, lề phải? Những món ăn nuôi lớn khôn tôi là những món nợ chịu ơn từ chục ngàn người khắp thế giới, đâu phải chỉ vài lon bo bo viện trợ từ mẫu quốc?

Nói thế, nhưng tại sao trong những đêm chờ sáng cho quê hương, lòng ông già xa xứ vẫn bùi ngùi khi nhìn thấy bức hình bà mẹ Việt còng lưng quảy gánh dưới mưa? Vẫn đau buốt khi nghĩ về những đạo quân bán vé số khắp nước sau vài thế kỷ của “hạnh phúc”? Vẫn thuơng xót cho những đám trẻ không thể có tương lai trong một nền giáo dục què quặt? Nguồn cội còn đồng nghĩa với một tiếng thở dài?

Alan Phan

Nguồn: Góc Nhìn Alan Phan

Trần Trung Đạo – Niềm vui Phương Uyên, hành trang cho chặng đường tranh đấu mới

In Chính trị (Politics), Liên Kết, Tạp văn on 2013/08/21 at 12:19

Chưa bao giờ trong suốt 38 năm, bản án  chế độ CS dành cho một cô bé không chỉ làm lương tâm cả dân tộc thức  dậy, đứng lên mà cả nhiều nơi trên thế giới bất bình, phẫn nộ như bản án  Phương Uyên. Ba tháng qua, từ trong nước đến ngoài nước, từ nguyên thủ  quốc gia Mỹ cho đến lãnh đạo các nước Bắc Âu, hai chữ Phương Uyên rất  khó phát âm theo đúng tiếng Việt đã trở thành một điều kiện cho các quan  hệ ngoại giao song phương và quốc tế.

 

Khi đứng trước tòa sơ thẩm giữa tháng Năm, thay vì dùng những câu nặng  tính cách đấu tranh chính trị như “tôi quyết liệt phản đối” hay “tôi  cương quyết không chấp nhận” bản án, em chỉ nói “tôi không cam tâm”: “Tôi  là sinh viên yêu nước, nếu phiên tòa hôm nay kết tội tôi, thì những  người trẻ khác sẽ sợ hãi và không còn dám bảo vệ chủ quyền của đất nước.  Nếu một sinh viên, tuổi trẻ như tôi mà bị kết án tù vì yêu nước thì  thật sự tôi không cam tâm”. Bốn chữ “tôi không cam tâm” nhỏ nhẹ như có chút gì trách móc những người ở tuổi ông bà đang ngồi xử  em là tiếng nói chân thành, tha thiết nhưng không thiếu phần cương  quyết.

Những ai ngạc nhiên vì bản án sáu năm tù ở quá khắc nghiệt lần trước  cũng có thể ngạc nhiên vì bản án “ba năm tù treo” lần này. Thật ra, dưới  chế độ CS chẳng có bản án tù chính trị nào dựa trên lý lẽ, bằng chứng,  truy tố, phân tích hay biện hộ, tất cả đều phản ảnh của chính sách và  chính sách lại luôn thay đổi tùy theo nhu cầu chính trị trong từng giai  đoạn.

Điều 88 Bộ Luật Hình Sự của chế độ CSVN hiện nay không phải là một bộ  luật do một cơ quan lập pháp độc lập nào làm ra mà chỉ là một văn bản  của chế độ CSVN tự dựng lên và dùng làm thước đo để trừng trị những ai  đi ngược lại quyền lợi của lãnh đạo đảng CS. Trên thế giới, ngoại trừ  Trung Quốc, Bắc Hàn, Cu Ba và Việt Nam, không có quốc gia nào mà việc  phê bình chỉ trích nhà nước và các cấp lãnh đạo nhà nước lại có thể bị  phạt tù đến 12 năm như “Bộ Luật Hình Sự” kỳ quái của chế độ CSVN quy  định.

“Bộ Luật Hình Sự” của Liên Xô trước đây là một ví dụ. Tháng Sáu năm  1934, để chuẩn bị cho cuộc thanh trừng đẫm máu sắp bắt đầu, Stalin đã  thêm vào điều 58 bộ Luật Hình Sự Liên Xô được ban hành vào năm 1927  những khoản quy định các bản án dành cho các tướng lãnh quân đội và ngay  sau đó chiếu vào các khoản này để xử bắn bốn trong số năm đô đốc, ba  trong số năm thống chế, mười ba trong số mười lăm tướng lãnh ba sao và  bốn sao, năm mươi trong số năm mươi bảy tư lịnh binh đoàn và toàn bộ  mười sáu chính ủy cao cấp thuộc các binh chủng của Hồng Quân Liên Xô.

Theo tường thuật của các bloggers cũng như của đài RFA, cuộc tranh luận  giữa Phương Uyên và các ông bà ngồi ghế quan tòa “như một cuộc chiến rất  căng giữa một bên là chế độc độc tài, toàn trị, vô cảm với đầy đủ  phương tiện đàn áp người dân với một bên là phe dân chủ “liễu yếu mong  manh” nhưng bất khuất” và cũng tại đó em đã phát biểu câu nói lịch sử “Tôi  không cần giảm án. Tôi chỉ cần tòa xử đúng người đúng tội. Tôi cho rằng  chống đảng CS không phải chống phá đất nước, dân tộc”. Tuy  nhiên, không phải vì Phương Uyên đã chiến thắng trong “cuộc chiến rất  căng” về lý luận và đã khuất phục được bà Thẩm phán Trương Thị Minh Thơ  chủ tọa phiên tòa phúc thẩm hôm 16 tháng Tám vừa qua và bà đuối lý đành  kết án Phương Uyên “tù treo” thay vì “tù ở”. Không phải vậy đâu. Quyết  định “tù treo” là quyết định từ trung ương đảng. Giả thiết, trong phiên  tòa phúc thẩm dù Phương Uyên có hô to “Đả đảo Cộng Sản” như Cha Nguyễn  Văn Lý đã hô hay bỗng dưng em đổi tính gọi ba đời nội ngoại của bà  Trương Thị Minh Thơ ra chửi bằng ngôn ngữ hàng tôm hàng cá nhất, bà Thơ  vẫn phải cắn răng tuyên bố Phương Uyên được hưởng “án treo” theo đúng  chỉ thị đã nhận từ trước.

Lý do trực tiếp của việc em được thả đã được nhiều người phân tích trong  đó có áp lực của chính quyền Barack Obama và quốc tế, chiều hướng mới  về chính sách đối ngoại của lãnh đạo CSVN, một cách tỏ thái độ đối với  Trung Quốc v.v… Tất cả đều có thể đúng tùy theo góc độ phân tích của  vấn đề nhưng như kẻ viết bài này đã viết trong bài trước Áp lực nào buộc CSVN phải thả Phương Uyên?, chính tinh thần đấu tranh bền bỉ, đa dạng, tích cực và nhiệt tình  của mọi tầng lớp nhân dân, mọi thế hệ Việt Nam trong nước và ngoài nước  là nguyên nhân sâu xa và sức đẫy chủ động đã giúp Phương Uyên được trở  về trong vòng tay của mẹ. Tận dụng ưu thế của cộng đồng người Việt tại  Mỹ và các quốc gia dân chủ từ châu Úc đến châu Âu là một bằng chứng  thành công hùng hồn. Sức mạnh tổng hợp của các thành phần dân tộc và xu  hướng phát triển văn minh của thời đại là nền tảng của cuộc đấu vì tự do  dân chủ trước đây, hôm nay và tái thiết đất nước sau này.

Việc vận dụng các điều kiện chính trị thế giới cũng như trong vùng Đông  Nam Á của các tổ chức người Việt không có liên hệ trực tiếp hay gián  tiếp gì với việc “lệ thuộc vào ngoại bang” và cũng chẳng “theo tây theo  Mỹ” nào cả. Phân tích một cách dễ hiểu, không có cuộc vận động liên tục  của nhiều tổ chức đấu tranh người Việt không một Tổng thống Barack Obama  nào, không một dân biểu Ed Royce, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ  nào, không một Dân biểu Loretta Sanchez thuộc đảng Dân Chủ nào, không  một Dân biểu Chris Smith thuộc đảng Cộng Hòa nào, không một bà Catherine  Ashton, phụ trách đối ngoại của Quốc Hội Châu Âu nào, không một dân  biểu Quốc hội Châu Âu nào trong số 34 vị ký tên trong thư phản đối tình  trạng nhân quyền tồi tệ tại Việt Nam biết đến Phương Uyên.

Áp lực từ các lãnh đạo quốc tế có thể là những giọt nước làm tràn chiếc  ly nhưng ly nước lớn kia vốn đã chứa đựng bao giọt mồ hôi và nước mắt  trong gian khổ đấu tranh của nhiều lớp người Việt Nam đi trước. Bức  tường chuyên chính không sụp bằng những cơn bão Đông Âu nhưng sẽ sụp từ  những giọt nước nhỏ xuống một cách âm thầm và kiên nhẫn như thế.

Qua đoạn phim ngắn phỏng vấn Phương Uyên  của hệ thống truyền hình Dòng Chúa Cứu Thế chúng ta thấy em rất chững  chạc và trưởng thành về nhận thức dù tuổi còn nhỏ và quá trình giáo dục  bị đóng khung trong hệ thống giáo dục tuyên truyền nhồi sọ khi em phát  biểu đừng đánh đồng giữa đảng CS và tổ quốc Việt Nam vì “Tổ quốc Việt Nam thiêng liêng hơn rất là nhiều”.

Vâng, đúng thế.

“Tổ quốc Việt Nam thiêng liêng hơn rất là nhiều” vì trên  mảnh đất này vẫn còn ghi lại dấu chân của những người để lưng trần, tóc  cắt ngắn, đóng khố che thân, đầu đội mũ lông chim Hồng, tay ẵm đàn con  Lạc Việt, vượt bao nhiêu núi rừng ghềnh thác trong cuộc Nam tiến đầy  gian nan nhưng vô cùng hiển hách, từ vùng Nam Hoa di dân xuống lưu vực  sông Hồng 48 thế kỷ trước.

“Tổ quốc Việt Nam thiêng liêng hơn rất là nhiều” vì trong  lúc bao nhiêu bộ tộc Bách Việt khác đã hoàn toàn bị tiêu diệt hay đồng  hóa vào những tỉnh, những huyện như Hồ Nam, Quảng Tây, Quảng Đông, Vân  Nam, Phúc Kiến của Trung Quốc ngày nay, giòng giống Lạc Việt qua bao độ  thăng trầm, vẫn tồn tại và trưởng thành nên quốc gia Việt Nam độc lập và  tự chủ.

“Tổ quốc Việt Nam thiêng liêng hơn rất là nhiều” vì trên  mảnh đất này tên của một con sông, một ngọn núi, một thôn làng, khi được  nhắc đến có thể làm người Việt Nam phải rơi nước mắt. Những Phong Hóa,  Nam Quan, Mê Linh, Bạch Đằng, Vạn Kiếp, Thiên Trường, Diên Hồng, Chi  Lăng, Lam Sơn, Đống Đa v.v… không phải chỉ đơn giản là những địa danh,  mà hơn thế nữa, còn là là nơi giữ gìn anh linh hùng khí của dân tộc.  Hình ảnh những chiếc búa, những chiếc rìu, những mũi thương, mũi đao,  mũi tên bằng đồng đào được ở vùng Trung Châu, Bắc Việt, ở sông Bạch  Đằng, dọc Ải Nam Quan không chỉ là những cổ vật mà còn là chứng tích của  bao nhiêu trận mạc, bao nhiêu cuộc chiến đấu, bao nhiêu máu xương của  tổ tiên đã đổ xuống trước áp lực của các triều đại Bắc phương xâm lấn.

“Tổ quốc Việt Nam thiêng liêng hơn rất là nhiều” như  Phương Uyên nói không thể đem so với một đảng chính trị chỉ mới nhập từ  Nga năm 1930 và đã bị đào thải trên phạm vi thế giới. Thế nhưng, không  chỉ trong giới sinh viên học sinh mà ngay cả trong nhiều người lớn,  trong tầng lớp “tiến sĩ”, “thạc sĩ”, “nhà văn”, “nhà thơ”, “trí thức xã  hội chủ nghĩa” không phải ai cũng thấy được sự khác biệt đó như em. Mà  có thấy được cũng đành “ngậm bồ hòn làm ngọt” chứ không đủ can đảm gióng  lên tiếng nói như em.

Dù sao Phương Uyên đã về quê với mẹ. Chuyến xe lửa đã rời nhà ga. Những  ngày nóng bỏng của mùa hè 2013 đang qua và tiếng cười rạng rỡ như tia  nắng cuối ngày vừa tắt. Mai đây em sẽ đối diện với thực tế mới và những  chọn lựa mới trong đời. Những ai hy vọng em sẽ làm những việc vượt quá  khả năng của em có thể sẽ thất vọng. Phương Uyên chỉ mới 21 tuổi. Em có  nhận thức rất sáng so với các bạn cùng thế hệ nhưng để bay cao, để đi xa  cần có thêm nhiều phương tiện. Em có thể sẽ trở lại trường học, có thể  chọn một việc để làm, có thể sẽ tiếp tục cùng các bạn tiếp tục hành  trình phục vụ đất nước, chống tham nhũng, chống độc tài, chống “Tàu  khựa” bằng một hình thức khác. Làm gì đi nữa, một chương lớn trong cuộc  đời em vừa mới lật qua. Phương Uyên không còn là một Phương Uyên mang ít  nhiều huyền bí và hấp lực trong tù mà là cô bé 21 tuổi ngoài xã hội với  cuộc sống bình thường.

Nhưng đất nước thì không. Đất nước như một giòng sông vẫn còn đang trôi  qua những ghềnh đá cheo leo, những núi non ngăn cách suốt ba mươi tám  năm đầy chịu đựng. Trên quê hương Việt Nam, hàng trăm người Việt Nam vẫn  còn đang bị tù đày cũng chỉ vì cùng quan niệm như em “Tổ quốc Việt Nam thiêng liêng hơn rất là nhiều”.

Hôm nay, điều kiện thật sự của Điếu Cày Nguyễn Văn Hải, người anh cả của  phong trào tuổi trẻ chống Trung Quốc âm mưu rước đuốc qua Hoàng Sa nhân  dịp Thế Vận Hội mùa hè tại Bắc Kinh, vẫn chưa ai biết rõ một cách chính  xác ra sao. Từ 2008 đến nay, Điếu Cày Nguyễn Văn Hải là tù nhân chính  trị chịu đựng nhiều truy bức và đày ải nhất. Trong lúc sự kính trọng  dành cho hàng trăm nhà dân chủ đang bị tù dày bao giờ cũng sâu đậm, sự  quan tâm của đồng bào trong và ngoài nước dành cho anh Điếu Cày Nguyễn  Văn Hải đã vượt lên trên. Tình cảm đồng bào dành cho anh giống như tình  cảm của anh dành cho đất nước, đơn sơ, thiêng liêng và trong sáng.

Điếu Cày không phải là nhà thơ, nhà văn, nhà chính trị, nhà cách mạng,  nhà lý thuyết, nhà báo, nhà nhiếp ảnh chuyên nghiệp. Không phải là nhà  nào cả. Mơ ước của anh là được cầm máy ảnh đi thăm ba miền đất nước để  ghi lại những vẻ đẹp nên thơ và hùng vĩ của quê hương. Anh đã đi nhưng  vết thương Hoàng Sa và Trường Sa buộc anh dừng lại. Quê hương không còn  đủ nghĩa khi hai quần đảo thiêng liêng và chiến lược rơi vào tay Trung  Quốc. Từ đó, anh dấn thân trên con đường gai góc, con đường nhiều triệu  người khác không dám đi: con đường chống Trung Quốc xâm lăng. Và cũng từ  đó, Điếu Cày Nguyễn Văn Hải, cái tên một lần nghe rất lạ đã trở thành  quen thuộc, gần gũi, thân thương trong mọi gia đình Việt Nam, đặc biệt  trong lòng tuổi trẻ Việt Nam.

Anh Điếu Cày Nguyễn Văn Hải không phải là Nelson Mandela của Nam Phi,  Aung San Suu Ky của Miến Điện, Vaclav Havel của Tiệp. Anh là một người  Việt Nam bình thường, đơn giản và hiền hòa như hạt gạo, củ sắn, củ  khoai, con mắm, ngọn rau nhưng anh cũng vô cùng cao quý vì đã nói lên  khát vọng độc lập tự chủ của dân tộc Việt Nam trong thời đại ngày nay.

Ngoài Điếu Cày, còn nhiều anh chị em khác nữa, những Đinh Nguyên Kha,  Việt Khang, Nguyễn Hữu Cầu, Trần Huỳnh Duy Thức, Hồ Đức Hòa, Đặng Xuân  Diệu, Lê Văn Sơn, Phan Thanh Hải, Mai Thị Dung, Nguyễn Công Chính, Phạm  Thị Phượng, Tạ Phong Tần, Nguyễn Hoàng Quốc Hùng, Nguyễn Văn Lý, Nguyễn  Đặng Minh Mẫn, Trần Thị Thúy, Phùng Lâm, Đỗ Thị Minh Hạnh, Đoàn Huy  Chương, Cù Huy Hà Vũ, Nguyễn Tiến Trung, Phạm Văn Thông, Nguyễn Ngọc  Cường, Đinh Đăng Định, Nguyễn Xuân Nghĩa, Trần Vũ Anh Bình, Nguyễn Kim  Nhàn, Hồ Thị Bích Khương, Lê Thanh Tùng, Phan Ngọc Tuấn, Vi Đức Hồi,  Nguyễn Văn Lía, Võ Minh Trí, Lê Quốc Quân v.v… tất cả vẫn còn ở trong  tù.

Chúng ta nên làm gì cho họ đây. Không có con đường nào khác ngoài việc  tiếp tục cuộc đấu tranh như đã từng tranh đấu cho Phương Uyên. Nếu có  khác chăng, chặng đường mới có nhiều hy vọng và thuận lợi hơn. Cuộc vận  động dân chủ ngày nay không phải là môi trường chỉ dành riêng cho những  người ly khai khỏi mọi ràng buộc, dâng hiến trọn vẹn cuộc đời cho lý  tưởng tự do dân tộc theo kiểu “gát bút nghiên lên đường tranh đấu” như  cha ông chúng ta đã làm ngày trước mà diễn ra ở mọi người, tại mọi nơi,  mọi chỗ và trong mọi ngành nghề.

Cuộc vận động dân chủ sẽ thành công bởi vì có sự góp sức của hơn hai  triệu người Việt đang sống nhiều nơi trên thế giới. Ngày xưa chúng ta  thường tranh luận nhau, trong nước hay ngoài nước sẽ đóng vai trò chủ  lực, trong nước hay ngoài nước sẽ là nhân tố chính thúc đẩy con tàu dân  chủ. Hôm nay, những tranh luận đó không còn cần thiết nữa. Mọi người  Việt Nam dù ở đâu trên trái đất nầy cũng đều có thể đóng góp, có thể làm  được phần mình theo điều kiện và hoàn cảnh mỗi người đang có mà không  phải chen lấn nhau hay dẫm lên bước chân người khác.

Việt Nam có thể vẫn còn phải tiếp tục chịu đựng dưới ách độc tài một  thời gian ngắn nữa nhưng các phong trào dân chủ không còn là các nhóm  nhỏ hoạt động rải rác mà sẽ phối hợp chặt chẽ và thách thức chế độ một  cách công khai bằng nhiều hành động cụ thể. Tranh đấu cho dân chủ là  khẩu hiệu của thời đại, là niềm vui chứ không còn là nỗi sợ.

 

FB Trần Trung Đạo