vietsoul21

Posts Tagged ‘30-4’

Bốn mươi năm: Chưa hết tháng Tư

In Cộng Đồng, Chính trị (Politics), Lịch Sử, Liên Kết, Tạp văn on 2015/04/26 at 21:34

Cái rìu thì quên nhưng thân cây luôn nhớ[1]

Ngạn ngữ Phi Châu

 

… những ý nghĩ vụn về bài viết “Bốn mươi năm: Vẫn một tháng Tư” [2]

image

Cách đây hai năm tụi tui có đọc bài “Tháng Tư, và bạn và tôi” của bà Nguyễn Thị Hậu viết cho “chúng tôi”, những người thuộc thế hệ “vùng biên” này. Chúng tôi đã viết bài “Tháng tư, nhớ và quên[3] để đáp lời.

Năm nay, 40 năm hậu chiến, lại một cột mốc thời gian để đánh dấu. Cột mốc càng ngày càng dài hơn thì lòng người càng ngày càng quằn quại hơn nữa. Và bốn mươi năm sau chưa hết tháng Tư cho người bên ni và người bên nớ.

Tác giả bài “Bốn mươi năm: Vẫn một tháng Tư” đã cá nhân hóa sự việc để giảm tầm quan trọng và đưa ra một so sánh khiên cưỡng trật đường rầy.

Nghe thì lọt tai nhưng hoàn toàn sai. Hãy đọc xem:

“Còn người bị phụ tình, dù biết chẳng thể trông đợi điều gì khi người kia đã dứt áo ra đi, vẫn không chịu chấp nhận rằng, mình đã “thua” trong một cuộc tình. Vì vậy cứ trách móc, cứ hận thù, cứ giữ mãi trong lòng những đau đớn và rồi nuôi dạy con cái bằng chính những căm hận đớn đau.[4]

Ngày “Thống Nhất” thì lẽ nào lại so sánh khiên cưỡng như một cuộc tình tan vỡ?

Ngày kết hợp hai miền Nam Bắc có thể so sánh như là một cuộc hôn nhân. Nhưng theo cung cách và phương tiện sử dụng để kết hợp hai miền thì có lẽ phải so sánh như là một cuộc cưỡng dâm rồi ép hôn.

Chẳng phải “Bên thắng cuộc” đã từng huyên hoang tuyên bố “Nhà Ngụy ta ở, vợ Ngụy ta lấy, con Ngụy ta sai[5] như thế sao?

Sau một cuộc cưỡng dâm thì thủ phạm có thể quên, nhưng nạn nhân thì bao giờ cũng nhớ. Nó đã ghi vào người trên từng thớ thịt và tế bào. Rồi mỗi khi có một hành vi hoặc ngoại cảnh nào đó tác động thì ký ức lại tràn ngập, chèn ngạt cuộc sống.

Ai thì sao chúng tôi không biết. Chứ riêng chúng tôi thì không có lòng thù hận cá nhân người lính bộ đội hoặc cá nhân những người miền Bắc vào miền Nam công tác. Chỉ đến khi những tên công an phường, công an khu vực, cán bộ phường xách nhiễu, áp đặt chính sách độc tài, áp bức, thù hằn, o ép, nhồi sọ thì họ tạo ra lòng oán hận. Những người này là bộ mặt đại diện cho đảng csvn. Và lòng thù hận đảng csvn được thể hiện trực tiếp qua những khuôn mặt này.

Chúng tôi không phải là nhà chuyên gia tâm lý để có một lời tư vấn cho nạn nhân rằng hãy quên đi, quên đi cái quá khứ chết tiệt ấy. Chắc chắn lời khuyên “quên đi” là câu nói mà nạn nhân không hề mong đợi để nghe.

“Một ông bác sĩ tâm thần người Do Thái nói với bà đồng nghiệp người Việt là ‘chiến tranh đã qua 35 năm rồi mà sao tụi bay vẫn còn nói tới nói lui hoài.’ Chị bạn tôi trả lời ‘chừng nào người Do Thái các ông không còn nhắc nhở đến Holocaust thì chúng tôi sẽ ngừng nói về cuộc chiến Việt Nam’ (when the Jews no longer talk about the Holocaust then we’ll stop talking about the Vietnam War). Một người Mễ đồng nghiệp khác cũng nói tương tự với chị và chị đã trả lời ‘khi nào ông nói với một thân chủ nạn nhân lạm dụng tình dục là hãy câm miệng và lo sống thì lúc đó chúng tôi sẽ không nói đến cộng sản đã đối xử với đồng bào chúng tôi như thế nào’ (until you tell your patient, a victim of sexual abuse, shut up, move on, then we will not talk about what they have done to our people.)”[6]

Khi nào thủ phạm vẫn thoái thác, lắc léo, và chối phăng thì nạn nhân vẫn ghi nhớ và đòi hỏi công lý nêu danh tội phạm. Người Armenia bị tàn sát bởi Đế chế Ottoman nước Thổ Nhĩ Kỳ một trăm năm sau vẫn nhớ và đòi hỏi đích danh.[7] Người Armenia không nề hà gánh nặng cả 100 năm để nêu tên tội phạm.

Nạn nhân không thể quên khi thủ phạm cưỡng dâm vẫn nhởn nhơ khoe khoang thành tích và cùng lúc lại chối phăng tội phạm.

Nạn nhân không thể quên khi thủ phạm vẫn sỉ nhục họ bằng cả lời nói và hành động.

Họ nói “Tôi nghĩ rằng sau chiến tranh, Việt Nam không có ngược đãi đối với mọi người. Bởi vì chính sách lúc ấy của nhà nước Việt Nam là chính sách hòa hợp dân tộc” , “Thế còn việc tập trung học tập hay cải tạo, tôi nghĩ đấy là để học cho nó rõ chính sách của nhà nước Việt Nam thời bấy giờ. Chứ không có nghĩa là một chế độ tù đầy.[8]

Còn nữa, chưa hết.

Chúng ta là người chủ đất nước, chúng ta đi lên thì không có lý gì bỏ rơi họ trong mặc cảm, tự ti. Họ đã ra đi trong suốt 40 năm qua và luôn mặc cảm, có những hận thù đối với đất nước.”, “Chúng ta đã tha thứ cho kẻ thù của chúng ta là đế quốc Mỹ, thực dân Pháp. Vậy tại sao họ dễ dàng tha thứ cho Mỹ, Pháp mà không nhìn nhận người anh em cùng một bào thai, cùng một dòng máu Lạc Hồng?[9]

Riêng lời khuyên “Nếu luôn chỉ nhìn thấy một phía của quá khứ thì đâu còn đủ bình tĩnh để nhìn thấy hiện tại và tương lai chung của đất nước này.” thì cũng đúng phần nào.

Lẽ thường thì không ai muốn ôm chặt một quá khứ, nhất là một quá khứ đen tối, đau thương để đắm chìm và chết ngộp vì phải chạm mặt phải sống lại nỗi niềm mất mát đau khổ cả. Tuy nhiên, quá khứ luôn được nhắc nhở tưởng niệm vì người Việt tị nạn hiểu thấm thía rằng nhớ, hận hay giận, tự nó, không phải là tâm lý bất thường bịnh hoạn cho dù xã hội và các luồng lực nỗ lực tuyên truyền, đặc biệt hướng về hòa hợp hòa giải kiểu bỏ rọ, muốn họ tự nghi ngờ và thấy kém kỏi để rồi tin vào như thế.

Hơn thế nữa, gần như đa số người Việt tị nạn lúc nào cũng hướng mắt về nước nhà để “nhìn thấy hiện tại”. Càng nhìn vào hiện tại thì họ lại thấy rõ hơn “tương lai chung của đất nước này”.

Ngoài cái vỏ bọc hào nhoáng, rỗng tuếch của công viên vui chơi, tượng đài hoành tráng, công thự nguy nga xây dựng từ tiền viện trợ, mượn nợ, kiều hối, tài nguyên thì bên trong mục rửa nền giáo dục, văn hóa, môi trường. Thời kỳ đồ đểu lên ngôi[10], thời kỳ con ông cháu cha, con cháu các cụ[11], công tử đảng sắp đặt độc quyền, độc đoán, độc hại làm chủ nhân đất nước.

Càng nhìn thì họ càng thấy không có một tương lai (sáng sủa) nào cho một đất nước trước họa tiêu vong.

Nạn nhân chỉ có thể quên đi và lo sống khi đã giải tỏa được tâm lý, tìm được niềm tin, và nhìn thấy tương lai. Nhưng người Việt luôn cảm thấy thế nào?

  • Không giải tỏa được tâm lý do một mặt nhà cầm quyền csvn tung hê những từ rụng rún “khúc ruột ngàn dặm” trong kiều vận, nhưng mặt khác đảng và nhà cầm quyền csvn vẫn ra rả “ngụy quân”, “ngụy quyền” trên báo chí, trong sách giáo khoa, trong bảo tàng lịch sử “tội ác Mỹ – Ngụy”.
  • Không tìm được niềm tin do những đối xử phân biệt theo chính sách lý lịch[12], hành hung, giam giữ tùy tiện những người hoạt động xã hội dân sự về dân quyền và nhân quyền[13], tiếp tục trù dập các tổ chức tôn giáo từ Giáo hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, Phật Giáo Hòa Hảo[14] Nguyên thủy cho đến Hội Tin Lành Mennonite[15].
  • Không thấy được tương lai vì dân oan[16] mất đất mất nhà không phương tiện mưu sinh, công nhân bị o ép bóc lột[17], sinh viên học sinh thất nghiệp phải đi làm ô sin, cửu vạn nước ngoài, làm gái mại dâm[18], người dân hết đường sống vì chủ trương chính sách sai trái tùy tiện[19], đất đai tài nguyên khắp nơi đất nước bị thế chấp, cho thuê nhượng vô tội vạ[20].

Bà Nguyễn thị Hậu hỏi: “Còn việc hoà giải giữa những người cùng một nước sao lại không bắt đầu từ mỗi người chúng ta? Không lẽ chống lại người ngoài hay hoà giải với người ngoài dễ dàng hơn làm lành với đồng bào mình?

Câu hỏi này nó lại na ná với một câu phát biểu của ông Nguyễn Thanh Sơn, “Chúng ta đã tha thứ cho kẻ thù của chúng ta là đế quốc Mỹ, thực dân Pháp. Vậy tại sao họ dễ dàng tha thứ cho Mỹ, Pháp mà không nhìn nhận người anh em cùng một bào thai, cùng một dòng máu Lạc Hồng?

Phải nói đến bao nhiêu lần để nhà cầm quyền csvn hiểu rằng giữa người dân ba miền và người Việt hải ngoại không cần ai hô hào hòa giải với nhau.

Đã có hàng chục ngàn chuyến bay chở người Việt hải ngoại về Việt Nam hàng năm. Đã có hơn 12 tỷ đô la kiều hối chuyển về bà con quê nhà để giúp đỡ xây dựng cuộc sống của thân nhân. Đã có bao nhiêu tổ chức thiện nguyện vô vị lợi, tổ chức tôn giáo bỏ công bỏ của để xây trường học, thư viện, bệnh xá, cầu đường, chùa chiền, nhà thờ giúp đỡ đồng hương hoạn nạn.

Dù cho đảng csvn có bắt thân nhân của họ và đất nước Việt Nam làm con tin trong cái rọ “Tổ quốc Chủ nghĩa Xã hội” thì người Việt tị nạn hải ngoại vẫn thăm nuôi với tình tự đồng hương và họ hòa hợp với nhau trong tình cảm thiêng liêng đó.

Nhiều gia đình, dòng họ có ông bà, chú bác, con cháu bên hai chiến tuyến đã chia sẻ những mất mát trong cuộc chiến. Thằng Tí thằng Tèo, anh Tám anh Tư, bà Bốn bà Bẩy, chị Hai chị Ba nếu có xích mích thì hàng xóm họ đã tự giải hòa hoặc nhờ người thông giải. Cá nhân họ có xích mích nhau không hòa giải được thì cũng chẳng ảnh hưởng gì đến ai ngoại trừ đương sự. Chuyện có lớn hơn thì nhờ pháp luật (cái này thì chưa chắc ở VN có sự xét xử công bằng vì luật ngầm phân biệt người “thân nhân tốt”, gia đình cách mạng, quan chức với đám phó thường dân hoặc “Ngụy”).

Nếu muốn nói tới hòa giải dân tộc thì phải nói là hòa giải giữa nhà cầm quyền và khối người dân Việt Nam qua những đại diện của các tổ chức chính trị, xã hội, hiệp hội thông qua những cơ chế và chính sách.

Nhưng Việt Nam là một nước độc tài toàn trị do đảng cộng sản nắm giữ hết quyền lực, và mọi tổ chức hội đoàn đều nằm dưới cái ô dù Mặt Trận Tổ Quốc hoặc là một cơ cấu ngoại vi của đảng. Ngay cả các tổ chức đúng ra là phi chính phủ (Non-Government Organization) cũng do chính phủ thành lập (GONGO – Government organized Non-Government Organizations) [21].

Thế thì nói hòa giải dân tộc trong một chế độ độc tài cộng sản là nói chuyện với đầu gối.

Chỉ có những quyền lực tương xứng thì mới đủ sức đàm phán, thương lượng, để hòa giải với nhau. Chứ như đám dân quèn chúng tôi thì làm gì nói chuyện hòa giải với đảng, nhà nước csvn. Cá nhân chúng tôi có yêu sách thì cũng chỉ làm dân oan “con kiến mà kiện củ khoai” hay lại phải “xin-cho”, “ơn đảng ơn chính phủ”.

Hòa giải qua nghị quyết 36, qua chỉ thị, qua tuyên truyền làm sao bưng bít được bụng dạ một bồ dao găm.

Hòa giải bằng kiểu cả vú lấp miệng em, miệng quan gang thép, sỉ nhục đối tượng!

Nguyễn Thanh Sơn, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài phán: “Chúng ta là người chủ đất nước, chúng ta đi lên thì không có lý gì bỏ rơi họ trong mặc cảm, tự ti. Họ đã ra đi trong suốt 40 năm qua và luôn mặc cảm, có những hận thù đối với đất nước.”[22]

Không ai hận thù với đất nước cả ông ơi! Ông đừng đánh đồng “yêu tổ quốc (đất nước) là yêu chủ nghĩa xã hội (đảng cộng sản)” để ngụy biện và mạ lị người Việt hải ngoại.

Làm gì có ai mặc cảm hả ông? Ông chớ tự hào “đỉnh cao trí tuệ” với mặc cảm ếch ao làng để nói lời khinh thường một khối người dân Việt Nam lớn mạnh thành công ở hải ngoại.

Khi nào nhà cầm quyền csvn vẫn tiếp tục chính sách hòa giải hòa hợp kiểu con lợn bỏ vào rọ thì ngay cả những con heo ngu đần cũng phải eng éc bỏ chạy xa và “Nếu cái cột đèn biết đi nó cũng chạy”.

Muốn hòa giải với toàn dân trong và ngoài nước thì dễ ợt à. Vậy mà đảng ta “đỉnh cao trí tuệ” vẫn một kèn một trống hát khúc “tiến quân ca” trên con đường tới thiên đàng “xã hội chủ nghĩa”.

Thôi thì trên diễn đàn này tui mạo muội đề nghị các bước cụ thể và tích cực để hòa giải các khuynh hướng, nguyện vọng của toàn dân.

  1. Loại bỏ điều 4 hiến pháp dành độc quyền cho đảng csvn trong chính trường.
  2. Bãi bỏ chế độ đảng cử dân bầu. Tiến hành phổ thông bầu phiếu ở các cấp chính quyền. Bảo đảm cho người dân với mọi xu hướng chính trị thành lập đảng phái tham gia chính quyền.
  3. Chấm dứt chế độ hộ khẩu với kiểm tra hộ khẩu sách nhiễu người dân vi phạm quyền hiến định của công dân.
  4. Chấm dứt chính sách lý lịch đối xử phân biệt.
  5. Chấm dứt việc dùng ngôn từ xúc xiểm đến quân dân cán chính VNCH như “Ngụy”, “Ngụy Quân”, “Ngụy Quyền”.
  6. Phê chuẩn chính sách đối đãi thương phế binh VNCH tương tự thương binh QĐNDVN.
  7. Trùng tu các nghĩa trang quân đội VNCH, nghĩa trang QĐNDVN. Yêu cầu Trung Quốc cải táng tất cả mộ phần binh lính của họ về nước và tái quy hoạch Nghĩa trang Liệt sĩ Trung Quốc tại Việt Nam thành những công trình phục vụ lợi ích công cộng cho người dân địa phương.
  8. Loại bỏ hết những bài học giáo khoa các cấp từ phổ thông đến đại học xuyên tạc phỉ báng chế độ VNCH.
  9. Loại bỏ môn học chính trị Mác-Lê, Tư Tưởng HCM.
  10. Bảo đảm quân đội và các lực lượng vũ trang độc lập không đảng phái, không chính trị, không làm kinh tế.
  11. Giải thể tổ dân phố, công an khu vực, dân phòng, các hội đoàn phường. Những thành phần chuyên xách nhiễu cư dân.
  12. Giải tán các hội đoàn chuyên môn tổ chức bởi chính quyền, các Tổ chức phi chính phủ do chính quyền thành lập (Government organized Non-government Organization). Bảo đảm cho các hiệp hội thợ thuyền, chuyên môn, tương tế, tôn giáo, sở thích được thành lập và điều hành hoàn toàn độc lập và tự do.

Tụi tui ăn học ít nên chỉ biết vậy thôi. Mời bà con cô bác đề nghị những việc làm cụ thể để có được hòa giải hòa hợp dân tộc.

image

Vì sao đã bốn mươi năm vẫn một tháng Tư?

Chắc chắn không ai muốn vác trên vai một gánh nặng suốt cả trăm năm. Nhưng tại sao người Armenia vẫn sẵn lòng gánh nặng một sự kiện lịch sử 100 năm trước đây? Vì không ai gánh cho họ. Vì họ không muốn quên dù họ có thể quên.

Một khi ký ức mất đi thì dân tộc đó chết theo. Nếu như ký ức được ngụy tạo và bóp méo? Đó là điều tồi tệ nhất. Đó là thảm sát. (Silvanadan, “When memory dies”)

Riêng tụi tui không thể quẳng gánh (nặng) đi và lo sống (cho cá nhân) vì đây là một gánh nặng của dân tộc.

Nên bây giờ bốn mươi năm chưa hết tháng Tư.

© 2015 Vietsoul:21


[1] ‘The axe forgets; the tree remembers.’ – African Proverb

[2]Bốn mươi năm: Vẫn một tháng Tư”, Viet-Studies

[3]Tháng tư này, nhớ và quên”, Vietsoul:21

[4] Bài đã dẫn (2)

[5] Phát biểu của Nguyễn Hộ, Chủ tịch Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam TP HCM.

[6] Bịt miệng nạn nhân, talawas

[7] Armenian genocide survivors’ stories: ‘My dreams cannot mourn’, the Guardian

[8]Không có ngược đãi sau 30/4”, BBC

[9]Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn: Tư tưởng hận thù sẽ làm đất nước yếu kém”, Pháp Luật

[10]…ngai vàng cựu TBT Nông Đức Mạnh”, Nhật Báo Văn Hóa. Thăm nhà cựu Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, BBC

[11]Con Cháu Các Cụ Cả’, Người-Việt

[12] 40 năm hỗn danh “ngụy” và những trận đòn thù của ác quỷ!, Dân Làm Báo

[13] CA nện đá vỡ đầu anh Trịnh Anh Tuấn – admin nhóm Vì Một Hà Nội Xanh, Dân Làm Báo

[14] Tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo liên tiếp bị đàn áp, RFA
[15] Tín đồ Tin Lành tại Bình Dương tiếp tục bị sách nhiễu, RFA. Công an, côn đồ, du dãng khủng bố Hội Thánh Tin Lành Mennonite Bến Cát, Youtube
[16] FB Dân Oan Việt Nam

[17] Tại sao công nhân Pou Yuen đình công?, RFA.

Sài Gòn công nhân nhà máy PouYuen đình công ngày 1/4 /2015, Youtube

[18]Mỗi năm, gần 5000 phụ nữ Việt Nam bị đưa sang Malaysia, Singapore bán dâm”, Thanh Niên. 18.000 gái Việt ra nước ngoài hành nghề mại dâm mỗi năm, Đất Việt

[19] Bình Thuận: Dân chặn xe trên quốc lộ 1 và đụng độ với cảnh sát cơ động, Dân Luận. Người dân chặn đường phản đối ô nhiễm, RFA. Dân đổ cá chết phản đối xáng cạp, gây tắc quốc lộ, Tuổi trẻ. Tiểu thương Nha Trang biểu tình, Dân Làm Báo

[20] Vì sao lao động TQ ngang nhiên khai thác quặng trái phép? Vietnamnet. Chỉ 36% lao động Trung Quốc ở Vũng Áng có phép.

[21] Government Organized Non-government Organization (GONGO), wikipedia

[22] Bài đã dẫn (9)

Sách: “Voices from the Second Republic of Vietnam” (Tiếng nói từ nền đệ nhị VNCH)

In Chính trị (Politics), Lịch Sử, Việt Nam on 2015/03/08 at 14:39

Cộng đồng thuộc giới trí thức, nhất là sử gia hàn lâm tại Hoa Kỳ và các nước đã phát triển từ tây sang đông đang dần dần chuyển mình trong các hoạt động có lợi cho lý tưởng của cộng đồng Việt hải ngoại dù rất chậm.

Sau khi miền Nam bị cưỡng chiếm gần bốn mươi năm, một số nhà nghiên cứu dần tìm cách trườn thoát khỏi vị trí thiên tả đầy định kiến với xã hội miền Nam trước 1975.

Cái định kiến thiên tả (ảnh hưởng và tạo ảnh hưởng dư luận qua phong trào chống chiến tranh, nhất là tại Hoa Kỳ) này đã không ít thì nhiều tạo tác động tiêu cực đến sự phát triển cộng đồng người Việt tỵ nạn CSVN khắp nơi trên thế giới. Những nhà nghiên cứu này hiện phần nào đang tiếp tay chúng ta xây dựng một công trình phục hồi lịch sử và văn hóa miền Nam Việt Nam.

Trong đó có một sản phẩm mới rất giá trị mà chúng tôi muốn giới thiệu ở đây.

Mời quý bạn và quý vị xem sách mà chủ bút là học giả Keith Taylor–tác giả nổi tiếng của quyển “The Birth of Vietnam” (Việt Nam Khai Quốc”)–vừa cho xuất bản:

Voices from the Second Republic of Vietnam” (Những tiếng nói từ nền đệ nhị VNCH),

Xin được nhắc lại, học giả Keith Taylor là “hiện là giáo sư Khoa Khảo Cứu Á Châu (Asian Studies) ở đại học Cornell, New York. Ông thông thạo tiếng Việt và là cựu chiến binh đã sang đánh trận ở Việt Nam vào đầu thập niên 1970. Quyển “The Birth of Việt Nam” (Việt Nam Khai Quốc) được thành hình từ luận án tiến sĩ của ông (hoàn tất năm 1976 tại đại học Michigan), dựa trên những khảo cứu của rất nhiều tài liệu Trung Hoa, Nhật Bản, và Việt Nam, cùng những bằng chứng từ những địa thế được khai quật vào giữa thế kỷ 20. Ông ra mắt quyển A Concise History of Vietnam (Lịch Sử Việt Nam Tóm Lược (Cambridge University Press). Gần đây, ông đã xuất bản tuyển tập biên khảo/nhận định Monde du Viet Nam (với Frédéric Mantienne) để tỏ lòng thành đối với Giáo sư Nguyễn Thế Anh (Paris: Les Indes Savantes, 2008).” (http://damau.org/archives/5400) [Toàn bộ bản tiếng Việt của quyển “The Birth of Vietnam” (Việt Nam Khai Quốc) đã được đăng tải trên tạp chí Da Màu]

Đại ý của sách “Những tiếng nói từ nền đệ nhị VNCH” qua lời giới thiệu của nhà xuất bản:

“Các bài tiểu luận trong cuốn sách này bắt đầu từ một hội nghị chuyên đề được tổ chức tại Đại học Cornell vào tháng Sáu năm 2012. Nhiều kinh nghiệm và quan điểm trình bày đa dạng trong quyển này được viết bởi những người, trong khi đối mặt với một cuộc chiến vô vọng, vẫn đã nỗ lực cùng chính phủ đại diện xây dựng một hệ thống hiến pháp trong khuôn khổ của nền đệ nhị Việt Nam Cộng Hòa (1967-1975).

Chế độ Việt Nam Cộng Hòa thường được cho là một thực thể tồn tại thống nhất trong suốt hai thập kỷ (1955-1975). Tuy nhiên, chính trị Việt Nam lúc đó thật ra đã xuyên qua một quỹ đạo thời chiến rất năng động chuyển mình từ độc tài (Đệ Nhất Cộng Hòa, 1955-1963) qua thời hỗn loạn (giai đoạn trung, 1963-1967) để thành một thử nghiệm tương đối ổn định có bầu cử dân chủ dưới nền đệ nhị Việt Nam Cộng Hòa.

Các thành kiến xưa nay về hai giai đoạn đầu tiên này tại miền Nam Việt Nam thường xuất hiện trong hầu hết các tác phẩm, kể cả hai loại hàn lâm và phổ thông, và đa số thường là những khắc họa cho một bức tranh châm biếm về một chế độ độc tài tham nhũng và không ổn định. Chưa có mấy ai tìm cách đánh giá những thành tựu trong suốt tám năm đó của nền đệ nhị Việt Nam Cộng Hòa. Các dữ kiện trong tập sách này phản ảnh nhiều kinh nghiệm, quan điểm, và phong cách thể hiện khác nhau. Các hồ sơ này đã cho thấy các mục tiêu và ý kiến của những người trí thức miền Nam trong những năm 1960 và đầu những năm 1970 thật đa dạng. Sự đa dạng này là lý do căn bản nhất cho việc tham chiến khi so sánh với xã hội toàn trị của miền Bắc Việt Nam.

Các thành kiến rập khuôn giữa người Hoa Kỳ lúc đó và sau này, thậm chí cho đến ngày nay, khi nhận định rằng nền đệ nhị Việt Nam Cộng Hòa là một chế độ độc tài nên xứng đáng để đánh bại, dù là một sự vu khống thời cơ nhưng vẫn là một sự vu khống.

Những nỗ lực của miền nam Việt Nam để tạo ra một chính phủ dân chủ dù trong nghịch cảnh là một câu chuyện vẫn chưa cách gì vượt ra khỏi những huyền thoại tư lợi của Hoa Kỳ, những huyền thoại đã liệm chôn đồng minh bị nguyền rủa sỉ vả nhất trong lịch sử Hoa Kỳ.

Mục đích biên soạn cho cuốn sách này không phải chỉ để vực dậy tiếng nói của người Việt Nam Cộng Hòa trước khi quá trễ, mà còn cho người Mỹ một lựa chọn cuối, sau gần nửa thế kỷ, hiểu rõ hơn đồng minh của mình—người đồng minh mà hàng ngàn thanh niên Hoa Kỳ đã vì họ mà hy sinh.”

Một vài tác tác giả tiêu biểu trong quyển sách này là cựu đại sứ Bùi Diễm, thẩm phán Phan Quang Tuệ, Đề-đốc Hồ Văn Kỳ Thoại, Phan Công Tâm–cựu nhân viên của Phủ Đặc Ủy Trung Ương Tình Báo. Ông Hoàng Đức Nhã–cựu Tổng-trưởng Dân-vận Chiêu hồi và bí thư cho tổng thống Nguyễn văn Thiệu, cũng đã tham gia hội nghị này và chia xẻ nội dung hội nghị (phần I & phần II) với ông Võ Thành Nhân/đài SBTN-Washington DC.

Đề tài hội thảo “Tiếng nói của Miền Nam: Nhận Xét Quan Điểm của những Vị Lãnh Đạo của Miền Nam” (Symposium Voices from the South: Testimonies from the Last Leaders of the Republic of Vietnam) vào tháng 6/2012 (cũng là đề tài trong quyển sách này) bao gồm các vấn đề như sau:

  • Mỹ Hóa Chiến Tranh Việt Nam (Americanization).
  • Giảm thiểu sự Mỹ Hóa (De-Americanization).
  • Tình báo và phản tình báo (Intelligence and Counter- intelligence).
  • Hải Chiến Hoàng Sa -Trường Sa năm 1974 (1974 Battle of the Paracel Islands against the People’s Republic of China).
  • Chiến dịch an ninh và cảnh sát tại Saigon (security and police operations in Saigon).
  • Dân chủ và sự năng động của hệ thống đa đảng  trong Lập Pháp (democracy and multi-party dynamics in the legislature).
  • Cac nỗ lực cố gắng giữ các tự do như báo chí và hội họp (attempts to guarantee civil freedoms such as freedom of the press and freedom of assembly).
  • Cải cách ruộng đất như đạo luật “người cày có ruộng” (agricultural and rural land reforms).
  • Chiến lược kinh tế (economic strategy).

Quý vị có thể xem hình ảnh của các tác giả trong quyển sách này cũng như của ban tổ chức và ông chủ bút Keith Taylor trong thời gian hội nghị tại Đại học Cornell vào tháng 6 năm 2012 tại Việt Báo. Một số hình ảnh khác và dữ kiện về cuộc hội thảo này sẽ được tìm thấy trong bản tường thuật tiếng Anh, “Voices from South Vietnam at Cornell University” (6/15/2012), của giáo sư François Guillemot, người đại diện cho Viện Khảo Cứu Á Châu tại Lyon, Pháp [Lyon Institute of East Asian Studies (IAO)], đã có mặt tham gia trong hội thảo này.

Thư gởi RFA về Cuộc phỏng vấn của Việt Hà và vấn đề chuyển ngữ của Vũ Hoàng với tác giả cựu phóng viên chiến trường Uwe Siemon-Netto qua bài “Ký ức về cuộc chiến Việt Nam của một phóng viên Đức”

In Cộng Đồng on 2015/02/15 at 18:11

BBT (3/5/2015): Ban điều hành đài Á Châu Tự Do (RFA) đã sửa chữa các vấn đề, nhất là tựa đề sách và cho đăng tải phần hai của cuộc phỏng vấn, mặc dù không trả lời chúng tôi. Đây là các vấn đề mà chúng tôi nêu ra trong lá thư dưới đây.

BBT (2/16/2015): Hôm qua, sau khi chúng tôi cho đăng lá thư viết cho ban điều hành của đài RFA than phiền về việc phiên dịch sai sót (mang tầm ảnh hưởng nghiêm trọng trong việc định hướng dư luận tiêu cực) qua cuộc phỏng vấn của Việt Hà với một cựu phóng viên chiến trường người Đức từng có mặt tại Việt Nam trong thập niên 1960 và 1970 trước biến cố tháng 4 1975, có thể sẽ có người sau khi đọc lá thư này sẽ nghĩ là chúng tôi quá cẩn thận.

Chúng tôi thiển nghĩ lá thư này không phải là chuyện phản ứng một cách “cực đoan”, chi li hay “vạch lá tìm sâu”.

Lý do? Chúng tôi đã viết như sau trong đoạn kết của lá thư:

“… dù vô tình hay cố ý, việc chuyển ngữ mang tính chủ đích này đã làm lợi cho nghị quyết 36 của ĐCSVN.

Nói một cách khác, ngôn ngữ thì không tránh khỏi tính chính trị dù ta cố tìm cách bào chữa và cho nó chỉ là “từ vựng” mang tính trung lập. Dịch thuật, do đó, bị giới hạn vì bản sắc và phẩm chất của bản dịch cuối cùng chịu ảnh hưởng của người mang trách nhiệm chuyển dịch–không những chỉ ở mức độ khả năng và trình độ mà còn do thành kiến định chế từ kinh nghiệm sống và bối cảnh văn hóa và không gian chính trị–nơi mà từ đó họ đã sinh trưởng.”

Điều độc hiểm xảo quyệt trong chủ đích lựa chọn hay cắt xén ngôn từ này đã từng được chứng minh.

Ví dụ, mới đây ông Thomas Bass, một phóng viên nghiên cứu đang giảng dạy tiếng Anh và báo chí tại Đại học tiểu bang New York ở Albany và người đã làm một cuộc thí nghiệm để nghiên cứu kiểm duyệt ở Việt Nam, đã từng nhận định như sau trong bài viết mang tựa đề, “Vietnam’s concerted effort to keep control of its past” (Nỗ lực của Việt Nam để giữ quyền kiểm soát về lịch sử quá khứ)

“In fact, the most insidious changes occur at the level of language.” (Trong thực tế, những thay đổi độc hiểm nhất xảy ra ở cấp độ ngôn ngữ.)

(Xin xem toàn bộ bài viết của ông đã được chúng tôi phiên dịch tại https://vietsoul21.net/2015/02/02/no-luc-cua-viet-nam-de-giu-quyen-kiem-soat-ve-lich-su-qua-khu/)

Chuyện nhỏ nhưng không phải nhỏ là vậy.

Nếu chúng ta coi thường tầm ảnh hưởng mang tính chính trị của ngôn ngữ qua hành động các con chữ được gạn lọc và bị cắt xén theo một chủ thuyết mục đích tuyên truyền nào đó, chúng ta vô hình chung đã rơi vào bẫy độc hiểm xảo quyệt nhất trong tiến trình tạo ra và củng cố diễn luận (discourse) của kẻ nhóm/tập đoàn thống trị.

Diễn luận thì đã xảy ra rất nhiều và cả người làm báo/truyền thông cũng không miễn nhiễm. Chúng tôi do đó cũng đã phân tích tầm ảnh hưởng của diễn luận ví dụ như qua loạt bài về “bất bạo động” trên blog của mình, https://vietsoul21.net/2014/06/07/bat-bao-dong-trong-dien-luan-phan-i/

Chuyện gì xảy ra khi đã rơi vào bẫy tròng diễn luận này? Lú lẫn lãng quên!!!

Chuyện gì xảy ra khi trò chơi qua ngón đòn “lú lẫn lãng quên” thành công? Quý bạn đã có thể tự trả lời rồi đấy.

**************************************************
Re: Cuộc phỏng vấn của Việt Hà và vấn đề chuyển ngữ của Vũ Hoàng với tác giả cựu phóng viên chiến trường Uwe Siemon-Netto qua bài “Ký ức về cuộc chiến Việt Nam của một phóng viên Đức
Kính gởi ban điều hành Đài Á Châu Tự Do/chương trình Việt Ngữ [Radio Free Asia(RFA)/Vietnamese program]:

cc: vietweb@rfa.org; siemon-netto@siemon-netto.org; uwesiemon@mac.com; uwesiemon@me.com; quyvanly@aol.com

Chúng tôi rất thất vọng về việc dịch thuật của nhân viên đài phát thanh RFA cho tựa sách xuất bản lần thứ ba của tác giả/cựu phóng viên chiến trường người Đức, ông Uwe Siemon-Netto. Nguyên tựa đề của quyển hồi ký tái xuất bản lần thứ hai và thứ ba này là, “Triumph of the Absurd: A reporter’s love for the abandoned people of Vietnam”.

Cuộc phỏng vấn của Việt Hà/RFA này đã được chia ra thành hai kỳ và cho phát thanh phần một trong Chương trình 9:00 tối 12-02-2015 ở phút thứ 30′:13“, và phần hai trong Chương trình 6:30 sáng 13-02-2015 ở phút 11′:22″.

Chúng tôi nhận định việc sai sót này không thật sự liên quan đến trình độ phiên dịch của Vũ Hoàng và Việt Hà—hai nhân viên gốc gác sinh trưởng và lớn lên tại miền Bắc Việt Nam và đã được quý đài tuyển mộ trong một thời gian tương đối khá dài.

Quyết định cố ý dịch tựa sách thành “Đức: Thâm tình của một phóng viên với thương binh Việt Nam” tuy nhìn trên bề mặt chỉ như một sai sót thật ra là nghiêm trọng và có liên quan đến các vấn đề sau đây:

(1)          Sai sót lớn trong chuyển ngữ:

(1a).       Chúng tôi muốn biết vì lý do gì tựa đề của quyển hồi ký xuất bản lần thứ ba là “Triumph of the Absurd: A reporter’s love for the abandoned people of Vietnam” đã bị chuyển dịch thành “Đức: Thâm tình của một phóng viên với thương binh Việt Nam”?

Nếu dựa vào tựa sách lần xuất bản đầu tiên, “Đức: A Reporter’s Love For a Wounded People” thì ít ra cũng phải được tạm dịch là “Đức: Thâm tình của một phóng viên dành cho một dân tộc nhiều đau thương”. Nếu dựa vào tựa sách lần hai và ba thì phải dịch là “Sự Vinh Quang Phi Lý: Thâm tình của một phóng viên dành cho một dân tộc bị bỏ rơi”.

Khi cố ý dịch từ “dân tộc” thành “thương binh Việt Nam” và xóa từ “đau thương” hay “bỏ rơi” cho tựa đề của hồi ký thì việc chuyển ngữ này mà Vũ Hoàng và Việt Hà đã làm với chủ đích gì? Đây không phải là việc sai sót nhỏ. Tại sao giảm thiểu tựa đề của quyển hồi ký xuống chỉ còn nhắm đến thành phần “thương binh” thay vì một “dân tộc”? “Thương binh Việt Nam” nào trong bối cảnh nào được đề cập?

Nếu e có sự ngộ nhận trong từ ngữ “dân tộc” trong quyển hồi ký này thì điều cần thiết là phải có chú thích/giải thích về chữ “dân tộc” mà tác giả đề cập đến và nhấn mạnh trong hồi ký này là dân miền Nam Việt Nam trong thời kỳ trước tháng 4 năm 1975. Thật ra, theo thiển nghĩ của chúng tôi, ông Siemon-Netto đã nghĩ rộng hơn nữa, “dân tộc” là cả một dân tộc Việt Nam đã bị bỏ rơi và chịu đau khổ cho đến ngày hôm nay vì một cuộc chiến oái ăm do những kẻ phi lý được Liên Xô và Trung Cộng hỗ trợ cả tiền và vũ khí.

Như đã đề cập ở trên, hồi ký của ông Siemon-Netto đã xuất bản ba lần. Chúng tôi chú ý đến các hoạt động liên quan đến quyển hồi ký này từ khi khởi đầu, và đã có các bài dịch thuật đăng tải liên quan đến quyển hồi ký này trên trang blog của VietSoul:21. Đây là một sản phẩm văn hóa/giáo dục hiếm hoi quan trọng ra đời trong khoảng thời gian gần đây đồng loạt với một vài tác phẩm (ví dụ như Lan Cao với “Hoa Sen và Bão Tố” hay bộ phim của Rory Kennedy “Những Ngày Cuối Cùng tại Việt Nam”) mang tính khôi phục các góc cạnh lịch sử đã bị bóp méo/bôi xóa, cũng như tôn trọng sự thật từ lăng kính và kinh nghiệm sống của kẻ/nhóm không có tiếng nói và đã/đang bị bịt miệng vì nhiều lý do mang tính chính trị. Tại sao hiếm có? Vì đây là một sản phẩm hoàn toàn đưa ra góc nhìn phản kháng khác hẵn 700 sản phẩm văn hóa thiên tả–từ phim ảnh Hollywood đến sách nghiên cứu hàn lâm–khác tại Hoa Kỳ đã ra đời chất chứa nhiều định kiến và sai lệch về cuộc chiến Việt Nam.

Do đó, việc cố tình dịch thuật méo mó tựa sách sẽ ảnh hưởng tầm nhìn của những cá nhân và thành phần nào? Chắc chắn là không phải là những ai theo dõi xuyên sát về các sản phẩm mang giá trị quan trọng về lịch sử và chính trị, chẳng hạn những bloggers như chúng tôi.

(1b) Sau khi có cuộc phỏng vấn của Việt Hà với chính tác giả, phần I của cuộc phỏng vấn này đã được dịch và đăng tại link của RFA sau đây, http://www.rfa.org/vietnamese/SpecialTopic/40years-april30/memory-vn-war-b-german-reporter-02132015130158.html?searchterm:utf8:ustring=Uwe+Siemon-Netto.

Chúng tôi muốn biết tại sao phần hai (từ phút 11’22” đến 17’44”) không được chuyển ngữ và đăng tải trên blog của đài? Đây là đoạn phỏng vấn không kém phần quan trọng khi Việt Hà đặt các câu hỏi thường được đặt để bởi các ký giả/giáo sư/chính trị gia thuộc thành phần thiên tả.

Thật ra cách phỏng vấn thuộc phần hai này không phải là chuyện không nên làm, nhưng cũng giúp chúng tôi có thể nhận định rõ ràng về các chủ ý phi dân chủ của các tác giả/người làm việc liên quan đến truyền thông báo chí cũng như các giới hạn của ngôn ngữ và dịch thuật. Điều này ông Siemon-Netto cũng đã đề cập tới trong quyển hồi  ký để phê phán các chủ đích và hành động không trung thực của giới truyền thông cánh tả tại Hoa Kỳ trong thập niên 1970.

Tóm lại, đây là việc làm với các quyết định không thiếu tính chính trị. Chúng tôi sẽ đề cập rõ điều này thêm trong phần 3.

(2)          Trách nhiệm dịch thuật và phỏng vấn:

Qua nhận xét mà chúng tôi đã đưa ra trong phần 1(b), câu hỏi cần được đặt ra là làm thế nào để tạo sự cân bằng chính xác trong vấn đề dịch thuật/phỏng vấn? Ai là người đảm nhiệm giám sát cho việc chỉnh sửa/sắp xếp nhân viên cho các công việc phỏng vấn/phỏng vấn/chuyển dịch này? Tại sao việc dịch thuật này lại đi ngược với tôn chỉ hoạt động—nhất là “không bè phái”—mà chương trình phát thanh lặp đi lặp lại hằng ngày trên sóng? Việc giám sát dịch thuật/phỏng vấn thuộc các vị điều hành nào?

Chúng tôi thiết nghĩ các quý vị đã từng có kinh nghiệm sống tại miền Nam Việt Nam và thuộc cấp cao hơn hai nhân viên này chẳng lẽ không có trách nhiệm giám sát kiểm chứng nhằm gắn liền với tôn chỉ “độc lập” và Quy tắc đạo đức nghề nghiệp hay sao? Hơn thế nữa, tại sao không có sự sắp xếp giúp cho một ký giả miền bắc có thể làm việc với một nhân viên miền nam thuộc thế hệ thứ nhất hay 1.5 đã từng sống hoặc hiểu kinh nghiệm của người miền Nam trước năm 1975 để cùng trao đổi đối thoại và tra dò kiểm chứng trước khi cho ra đời các chuyển dịch và phỏng vấn mang tính lịch sử và chính trị như thế này?

(3)          Tầm ảnh hưởng của viêc chuyển ngữ sai sót lớn này:

Như đã đề cập ở trên, đám đông thính giả mà quý đài nhắm vào là đa số dân chúng trong nước tức là nhữnng ai không biết hoặc không rành Anh ngữ hay/và không hề biết về các sản phẩm văn hóa/lịch sử đề cập đến cũng như kinh nghiệm sống của kẻ bị trị và đàn áp bởi CSVN trong vòng 70 năm nay. Điều đó đồng nghĩa với một tầm ảnh hưởng tiêu cực của truyền thông trong việc định hướng dư luận và mang tính phi dân chủ. Ngoài ra, dù vô tình hay cố ý, việc chuyển ngữ mang tính chủ đích này đã làm lợi cho nghị quyết 36 của ĐCSVN.

Nói một cách khác, ngôn ngữ thì không tránh khỏi tính chính trị dù ta cố tìm cách bào chữa và cho nó chỉ là “từ vựng” mang tính trung lập. Dịch thuật, do đó, bị giới hạn vì bản sắc và phẩm chất của bản dịch cuối cùng chịu ảnh hưởng của người mang trách nhiệm chuyển dịch–không những chỉ ở mức độ khả năng và trình độ mà còn do thành kiến định chế từ kinh nghiệm sống và bối cảnh văn hóa và không gian không gian chính trị–nơi mà từ đó họ đã sinh trưởng. Hơn nữa, người điều hành trong giới truyền thông phải chịu một trách nhiệm lớn một khi việc định hướng dư luận đã trở thành tiêu cực và ở mức độ nghiêm trọng.

Bản Anh ngữ của lá thư này sẽ được chuyển đến đài RFA và các tác giả/dịch giả liên quan đến hồi ký này trong vài ngày tới. Chúng tôi hy vọng sẽ sớm có phúc đáp của ban điều hành chương trình RFA/Việt Ngữ về vấn đề nghiêm trọng này.

Kính thư,

VietSoul:21

Phó thường dân (18): Bán Thân – Bán Thận – Bán Thần

In Chính trị (Politics), Lịch Sử, Liên Kết, Tạp văn on 2014/05/01 at 19:59

Hổm rày trời ấm lên hẳn vì mùa xuân đã đến. Cái ẩm ướt và lành lạnh của miền Tây Bắc Hoa-kỳ này đã dần dần bớt đi. Người ta bắt đầu lục đục dọn dẹp từ trong nhà ra đến gian chái, từ bếp ra đến nhà kho, nhà để xe. Rồi họ lỉnh kỉnh lôi ra những thứ không cần dùng đem đi cho hoặc bày ra cho/bán lại trước cửa nhà.

Ở bên Hoa-kỳ này, đi cho là đem ra các trung tâm nhận hàng đã dùng qua rồi như Goodwill, Salvation Army, Value Village. Nhiều khi cũng có thứ bị từ chối vì họ không muốn phải tống vào phế thải lại tốn thêm tiền đổ rác. Còn bày ra cho/bán lại thì phải tới cuối tuần mới hưỡn cho người đi lượm/mua.

Câu thành ngữ “rác của người này là của báu người kia” (one man’s trash is another man’s treasure) cũng thiệt là có lý. Phó thường dân tui bắt chước lâu lâu đem của báu ra cho/bán. Chứ để chật nhà lại bị quở.

Đó là chiện lượm bạc cắc chứ muốn có tiền ông tơn thì phải đi ra tiệm cầm đồ để cược hoặc bán luôn. Sau khi cái bong bóng địa ốc bị vỡ, xì hết hơi và cùng một lúc ngành tín dụng tan hoang thì thiên hạ nầm nập đến tiệm cầm đồ. Bán đủ thứ. Xe đạp, máy tính, xe máy, đồng hồ, vòng vàng, lắc bạc hầm bà lằng.

Phó thường dân tui tò mò hổng biết bà con bên bển mình làm sao khi bị kẹt tiền. Chèn đét, quỷ thần thiên địa ơi ngó xuống (dòm inh tờ nét) mà coi! gúc gồ, phây búc nó hiện lên bán thân, bán thận, bán thần, bán bằng, bán nước, bán dân hầm bà lằng hổng thiếu thứ chi.

Bán thân thì tui cũng đã nghe từ xửa, từ xưa từ truyện cô Kiều bán thân chuộc mạng cho cha, trôi nổi đời hoa, hồng nhan bạc mệnh. Chuyện ngày xưa thì việc bán thân cũng hy hữu, hơi “bị” hiếm chứ bi giờ là chuyện hằng hà sa số à nghe. Bán thân giờ là là chuyện cứu đói, giảm nghèo, đóng tiền học, kiến chút cháo rần rần như mua vé số, đánh đề. Đây còn là quốc sách chứ có phải giỡn chơi đâu. Chủ tịch nước đã từng trịnh trọng tiếp thị cò cưa “Việt Nam ngày nay có nhiều con gái đẹp lắm” [1] cho thương hiệu chị em phụ nữ Việt Nam nước nhà.

Bán thân thời cô Kiều thì kín đáo vì tổn hại gia phong còn bây giờ thời mở cửa thành ra mở toang hết hổng còn mảnh vải che thân[2]. Bán thân mà lại sắp hàng trần truồng này thì coi bộ giống như nô lệ da đen đưa ra đấu giá như mấy trăm năm về trước thời tư hữu nô lệ thịnh hành. Theo cái ngữ này thì nhà nước ta tiến nhanh tiến mạnh đến thời kỳ cộng sản nguyên thủy chứ hổng giỡn chơi đâu.

Mà thiệt dzậy chứ giỡn chơi cái nỗi gì. Cái này theo kinh tế thị trường khuyến mãi thì nó gọi là trọn gói, mua một tặng hai, 3 trong 1. Được vợ, được con, được luôn người ở!

Bán thân là từ mỹ miều cho cái bán trinh tiết và bán dâm còn bán thận[3] thì chính thị đó là bán thân thể con người. Một phần của thân thể bị cắt đứt trao cho người khác.

Trời sanh hai con mắt, hai lỗ tai, hai buồng phổi, hai trái thận là để sơ cua, phòng hờ tai nạn hư mất một cái thì còn cái khác để xài. Mù một mắt, điếc một tai, cụt một tay, què một chân thì chỉ mới bị khiếm tật còn gỡ gạc được chút đỉnh. Mất cả hai thì coi như vĩnh viễn mất chức năng.

Thời buổi này hàng độc hại coi như là tràn lan khắp hang cùng ngõ hẻm. Một cái gan và hai trái thận còn lọc hổng hết độc tố trong máu muốn quải luôn thì nói chi là mất đi một trái thận. Lỡ có chuyện gì bị mất thêm một trái nữa thì rồi đời. Trời ơi, người ta nói sức khỏe là vàng. Ai mà đổi vàng lấy tiền (tệ) trừ khi hết đường (muốn) sống.

Mà chuyện bán thân, bán thận này trong bước đường cùng thời nhà sản cũng dễ hiểu. Vì nào còn nước sống cho dân.

Đi đánh cá thì loanh quanh ven biển chứ lạng chạng là bị bọn tàu nó dớt gãy càng, nó lấy thân bắt chuộc mạng. Đi làm xuởng thì nó ép nhịn đái, nhịn ỉa rối loạn chức năng tiêu hóa thân thể. Còn đi làm thợ thì bọn tàu đã thầu hết và đem lao động lậu vào đóng dinh trại, kín cổng đâu còn việc gì để làm. Sĩ tử học ra xong cử nhân, thạc sĩ mà không có nhân thân, không có “phong bì”, không bằng “tiến sĩ (mua bằng) tại chức” thì phải làm nghề “tự do” lang thang chết đói.[4] Làm nông thì nó cướp đất, “giải phóng” cho “tự do” khỏi đi cày. Dân phố chợ thành thị thì nó “giải phóng mặt bằng” hết chỗ làm ăn. Cũng rập khuôn “giải phóng” 30 tháng 4 năm 75 đuổi bao dân miền Nam ra vùng kinh tế mới[5]. Bà con ta tha hồ thất nghiệp làm dân vô sản.

Bán thân và bán thận là chuyện sở hữu thân thể. Đảng và nhà nước khó mà kiểm soát được chiện bán thân bán thận dù rằng chế độ hộ khẩu cưỡng bách, áp đặt hạn chế tự do.

Còn bán thần là độc quyền nhà nước đảng ta.

Đảng độc quyền buôn thần bán thánh. Độc quyền lễ hội, lễ kỷ niệm túa xua tha hồ móc quỹ công và móc tiền công chúng. Các nghi thức thiêng liêng được thương mại hóa và đảng ta đều bao trọn gói. Lễ hội đền Trần, lễ tịch điền, lễ chọi trâu, lễ chém lợn, lễ khai bút, lễ chùa Hương và hơn 8.000 lễ hội khác.

Lễ hội tạo phương tiện để giật, chém, chặt, cò, cướp. Tất cả được “phát huy” ráp gắn vào “truyền thống” hầu làm vỏ bọc hào nhoáng cho chế độ và xã hội ruỗng mục văn hóa và đạo đức. Và nó cũng được “phát huy” để giải tỏa áp lực cho các bế tắc của cuộc sống hàng ngày trong xã hội mà như là chỉ có thần thánh mới giúp được. Nghèo đói, bệnh hoạn, thất nghiệp thì phải đi cầu xin thần thánh chứ đừng có mà mong chờ nhà nước có chính sách giải quyết. Chính sách “đầu tiên” (tiền đâu?) của cơ quan công quyền nhiều lúc đụng vào lại bị tiền mất, tật mang từ chết tới bị thương.

Di tích lịch sử thì bị “trùng tu” bằng bê tông và sơn phét lòe loẹt vô tội vạ. Rồi lại còn “rút ruột” cưa kèo, xẻ cột gỗ trăm năm đi bán. Lễ tế trời Nam Giao thời xưa trịnh trọng, thanh khiết chỉ có vua mới được dâng lễ thì nay cũng thành trò hề bát nháo trong tay của quan quân đảng bộ.[6]

Tột đỉnh của buôn thần, bán thánh bởi đảng csvn là tôn giáo hóa chủ thuyết Mác-Lê và thần thánh hóa lãnh tụ, cho dù lãnh tụ có bị cho ra rìa, ngồi chơi xơi nước. Ông thánh “Bác Hồ” ở “đỉnh cao chói lọi”[7] và Đại tướng “cầm quần” Võ Nguyên Giáp[8] là thương hiệu “ăn mày dĩ vãng” vẫn tiếp tục được tiếp thị, nhồi nhét qua cái loa phường, sách giáo khoa học đường, và băng rôn màu (máu) đỏ trên các phố phường.

Mà bán riết rồi cũng hết sạch sành sanh, còn gì nữa mà bán. Con nghiện thèm thuốc, đến cơn mà hổng có gì bán thì đi giựt đồ, chôm chỉa, ăn cướp để thỏa mãn cái cơn ghiền. Đảng csvn với “thanh kiếm và lá chắn”[9] trong tay thì chôm chỉa, giựt đồ lắt nhắt làm chi cho má nó khi. Đại ca sát thủ đầu mưng mủ có hiến (hiếp) pháp bảo kê “sở hữu toàn dân” ra tay cướp trắng của dân ngon ơ. Viện kiểm soát đại ca mày lập, ủy ban nhân dân đại ca mày lập, tòa án đại ca mày lập, quốc hội cũng đại ca mày lập cho đám dân đen khiếu kiện đến hẹn lại lên, mút mùa Lệ Thủy.

Dân oan Dương Nội, dân oan Văn Giang, dân oan Cồn Dầu, dân oan Thái Nguyên[10], dân oan Đoàn Văn Vươn, dân oan Đặng Ngọc Viết, dân oan Cần Thơ[11], dân oan Tiền Giang, dân oan Long An, dân oan Dak Nông, dân oan Hà Nam, dân oan Phú Yên đâu đâu cũng có dân oan …

Dân oan cải cách ruộng đất.

Dân oan 30/4/75.

Tất cả những oan trái, uất hận này đã chồng chất bao (muôn) năm và vẫn còn diễn tiến hàng ngày trên giải đất quê hương Việt Nam dưới chế độ độc tài đảng trị nhà cầm quyền csvn.

Phó thường dân tui thấy ai đó dùng câu “Đảng Cộng Sản Việt Nam Vinh Quang Muôn Năm!” như một câu chửi thề thì quả là rất hợp lý, đầy tính đương đại. Bởi vì cái tính “muôn năm” độc đảng, độc quyền, độc tài đó nó xuyên suốt như sợi chỉ đỏ, sợi dây thòng lọng thắt cổ dân tộc này. Những câu thơ và tuyên ngôn bất hủ “muôn năm” qua bao thập niên vẫn còn tính thời đại phản ánh chế độ “siêu việt” nhà cầm quyền hiện nay.

Cướp, còn cái lai quần cũng cướp.[12]

Cướp, cướp nữa, bàn tay không phút nghỉ.
Cho túi tiền, xe khủng, nhà cơ ngơi.[13]

Hổng biết ai thì sao chứ như theo phó thường dân này thì cái “muôn năm” này chắc sẽ yểu mệnh. Nhìn qua nhìn lại thì mấy đại ca đã lo chuyện hậu sự tẩu tán tài sản sang các nước tư bản giãy chết. Mấy đại ca đang chuẩn bị chẩu vi thượng sách để không phải chết trong ống cống.

Oan án, oan khiên, oan trái thì phải trả[14].

© 2014 Vietsoul:21


[Loạt bài Phó Thường Dân: (1) Anh tám hồ hởi – (2) Nôị-thực-dân – (3) Sợ – (4) Kỳ đà – cắc ké – kỳ nhông – (5) Con dân – con cá – cò mồi – (6) Bình vôi – bái vật – bà đồng – (7) (Vô) Hậu  – (8) Gió mưa là chuyện của trời …  – (9) Vô liêm sỉ – man rợ – (10) Phế-anh-hùng – (11) Luật Lệ(nh) … (12) Nhà em có nuôi một con két … (13) Cái nhà là nhà của ta … (14) Mèo – thỏ (15) Phố Vẫy (16) Mít tờ Đàm và Bác Hồ  (17) Nín thở qua cầu (19) Tổ Quốc – Danh Dự – Trách Nhiệm]


[1]“Chủ tịch Nguyễn Minh Triết trả lời phỏng vấn về chuyến đi Mỹ”, talawas

[2] “Bàng hoàng với clip tuyển vợ trần truồng của trai Hàn”, Tiếng Chim Việt

[3] “Bán thận đổi đời hay nỗi bi ai của kiếp người?”, Baodatviet.vn

[4] Hơn 72.000 cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp, vnexpress.net

[5] “Dân oan biểu tình, tưởng niệm Quốc Hận 30-4”, Dân Làm Báo

[6] “Một trò hề! Bí thư Tỉnh ủy mà nhảy lên tế đàn Nam Giao là rất bố láo”, blog Nguyễn Xuân Diện

[7] Tiểu thuyết “Đỉnh Cao Chói Lọi” (Au Zénith) của nhà văn Dương Thu Hương

[8] “Ngày xưa đại tướng cầm quân,
ngày nay đại tướng cầm quần chị em.

Ngày xưa đại tướng công đồn,
ngày nay đại tướng công l.. chị em.”

Vè truyền miệng về Võ Nguyên Giáp khi ông bị gạt ra khỏi bộ chính trị về làm trưởng ban sinh đẻ có kế hoạch.

[9] “Thanh kiếm và lá chắn bảo vệ chế độ!”, Dân Làm Báo

[10] Mẹ con trần truồng giữ đất

[11] Hai mẹ con khỏa thân để giữ đất, Diễn Đàn CTM

[12] “Đánh, còn cái lai quần cũng đánh.”, Nguyễn Thị Út

[13] “Giết, giết nữa, bàn tay không phút nghỉ.
Cho ruộng đồng mau tốt, thuế mau xong.
Cho đảng bền lâu, cùng rập bước chung lòng
Thờ Mao chủ tịch, thờ Sít-ta-lin bất diệt.” Thơ Tố Hữu khích động đấu tố trong phong trào cải cách ruộng đất

[14] “Bản chất của vấn đề hòa hợp hòa giải dân tộc Việt”, Blog BS Hồ Hải

Trần Trung Đạo – Câu hỏi tháng Tư

In Cộng Đồng, Chính trị (Politics), Lịch Sử, Liên Kết, Tạp văn on 2014/04/27 at 07:59

Những ngày còn nhỏ, tôi bị ám ảnh bởi câu hỏi tự mình đặt ra “Tại sao chiến tranh diễn ra tại Việt Nam mà không phải tại một quốc gia nào khác?”

Tôi lớn lên ở Đà Nẵng. Đường phố quê hương tôi trong khoảng thời gian từ 1968 đến 1972 có rất nhiều lính Mỹ. Những chiến tàu nhập cảng Tiên Sa chở đầy chiến xa và súng đạn mang nhãn “Made in USA”. Những đoàn xe vận tải hiệu Sealand, RMK gần như chạy suốt ngày đêm từ nơi dỡ hàng ngoài bờ biển đến các kho quân sự chung quanh Đà Nẵng. Tiếng gầm thét của các phi cơ chiến đấu có đôi cánh gắn đầy bom, lát nữa, sẽ được ném xuống một nơi nào đó trên mảnh đất Việt Nam. Những câu lạc bộ, được gọi là “hộp đêm”, mọc đầy hai bên bờ sông Hàn. Mỹ đen, Mỹ trắng chở hàng quân tiếp vụ đi bán dọc chợ Cồn, chợ Vườn Hoa.

Phía trước tòa thị chính Đà Nẵng, trước rạp hát Trưng Vương hay trong sân vận động Chi Lăng, gần như tháng nào cũng có trưng bày chiến lợi phẩm tịch thu từ các cuộc hành quân. Những khẩu thượng liên có nòng súng cao, những khẩu pháo nòng dài, rất nhiều AK 47, B40, súng phóng lựu đạn và hàng khối đạn đồng vàng rực. Sau “Mùa hè đỏ lửa” trong số chiến lợi phẩm còn có một chiếc xe tăng T54 được trưng bày rất lâu trước tòa thị chính. Không cần phải giỏi ngoại ngữ, chỉ nhìn nhãn hiệu tôi cũng biết ngay chúng là hàng của Trung Quốc và Liên Xô.

Nhìn viên đạn của Nga và Tàu, tôi nghĩ đến trái tim của người lính trẻ miền Nam, giống như khi nhìn chiếc chiến đấu cơ của Mỹ cất cánh tôi chợt nghĩ đến các anh lính từ miền Bắc xấu số đang di chuyển bên kia sông Thu Bồn. Vũ khí là của các đế quốc. Không có khẩu súng nào chế tạo ở miền Nam hay miền Bắc. Các bà mẹ Việt Nam chỉ chế tạo được những đứa con và đóng góp phần xương máu.

Vũ khí của các đế quốc trông khác nhau nhưng nạn nhân của chúng dù bên này hay bên kia lại rất giống nhau. Nếu tháo đi chiếc nón sắt, chiếc mũ vải xanh, hai người thanh niên có mái tóc đen, vầng trán hẹp, đôi mắt buồn hiu vì nhớ mẹ, nhớ em chẳng khác gì nhau. Dù “con đường Duy Tân cây dài bóng mát” hay “mặt hồ Gươm vẫn lung linh mây trời” cũng là quê hương Việt Nam và nỗi nhớ trong tâm hồn người con trai Việt ở đâu cũng đậm đà tha thiết.

Người lính miền Nam chết vì phải bảo vệ chiếc cầu, căn nhà, xóm làng, góc phố thân yêu của họ. Nếu ai làm một thống kê để hỏi những lính miền Nam còn sống hôm nay, tôi tin không ai trả lời muốn “ăn gan uống máu quân thù” miền Bắc. Họ chỉ muốn sống yên ổn trong hòa bình để xây đắp lại mảnh đất họ đã “xin chọn nơi này làm quê hương” sau khi trải qua quá nhiều đau thương tang tóc. Họ phải chiến đấu và hy sinh trong một cuộc chiến tự vệ mà họ không chọn lựa.

Dân chủ không phải là lô độc đắc rơi vào trong túi của người dân miền Nam mà phải trải bằng một giá rất đắc. Tham nhũng, lạm quyền, ám sát, đảo chánh diễn ra trong nhiều năm sau 1960. Có một dạo, tấm hình của vị “nguyên thủ quốc gia” chưa đem ra khỏi nhà in đất nước đã có một “nguyên thủ quốc gia” khác. Nhưng đó là chuyện của chính quyền và nhân dân miền Nam không dính líu gì đến đảng Cộng Sản miền Bắc.

Dân chủ ở miền Nam không phải là sản phẩm của Mỹ được đóng thùng từ Washington DC gởi qua nhưng là hạt giống do Phan Chu Trinh, Bùi Quang Chiêu, Nguyễn Phan Long, Phan Văn Trường, Nguyễn An Ninh và rất nhiều nhà cách mạng miền Nam khác gieo xuống hàng nửa thế kỷ trước đã mọc và lớn lên trong mưa bão. Không chỉ miền Nam Việt Nam mà ở đâu cũng vậy. Nam Hàn, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Phi Luật Tân và nhiều quốc gia khác, dân chủ đã phải trải qua con đường máu nhuộm trước khi đơm bông kết trái.

Khác với người lính miền Nam, người lính miền Bắc chết vì viên thuốc độc bọc đường “thống nhất đất nước”. Bác sĩ Đặng Thùy Trâm bị giết ở Quảng Ngãi đã uống viên thuốc đó. Anh Nguyễn Văn Thạc, tác giả của hồi ký “Mãi mãi tuổi hai mươi” bị giết ở Quảng Trị đã uống viên thuốc đó. Cô bé Trần Thị Hường 17 tuổi và chín cô gái ở Ngã Ba Đồng Lộc bị bom Mỹ rơi trúng ngay hầm đã uống viên thuốc đó. Họ không biết đó là thuốc độc. Không biết thì không đáng trách. Nhà văn Dương Thu Hương trải qua một thời thanh niên xung phong nhưng chị may mắn còn sống để nhắc cho các thế hệ trẻ Việt Nam hôm nay biết “chế độ ngoài Bắc là chế độ man rợ vì nó chọc mù mắt con người, bịt lỗ tai con người.”

Tại sao chiến tranh diễn ra tại Việt Nam mà không phải tại một quốc gia nào khác?

Thật không công bằng cho đảng nếu tôi chỉ dùng tài liệu trong các thư viện ở Mỹ để chứng minh âm mưu xích hóa Việt Nam của đảng. Tôi sẽ trích những câu do đảng viết ra. Theo quan điểm lịch sử của đảng CSVN chiến tranh đã xảy ra bởi vì “Ở miền Nam, lợi dụng sự thất bại và khó khăn của thực dân Pháp, đế quốc Mỹ đã nhảy vào để thay chân Pháp nhằm biến miền Nam thành thuộc địa kiểu mới và căn cứ quân sự của Mỹ.”

Không ai hình dung “thuộc địa kiểu mới” hình dáng ra sao và đảng cũng chưa bao giờ giải thích một cách rõ ràng.

Sau Thế chiến thứ hai, hàng loạt quốc gia trong đó có những nước vốn từng là đế quốc, đã nằm trong vòng ảnh hưởng kinh tế và cả chính trị của Mỹ. Chẳng lẽ 18 nước châu Âu bao gồm Tây Đức, Áo, Bỉ, Pháp, Ý, Anh, Hòa Lan v.v… trong kế hoạch Marshall chia nhau hàng trăm tỉ đô la của Mỹ để tái thiết đất nước sau thế chiến thứ hai đều trở thành những “thuộc địa mới” của Mỹ hay sao? Chẳng lẽ các nước Á châu như Nam Hàn, Nhật Bản, Đài Loan được viện trợ không những tiền của mà còn bằng cả sức người để xây dựng lại đất nước họ là “thuộc địa mới” của Mỹ hay sao?

Chuyện trở thành một “căn cứ quân sự” của Mỹ lại càng khó hơn.

Chính sách vô cùng khôn khéo của chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ dùng Đệ Lục Hạm Đội Mỹ làm hàng rào bảo vệ đất nước Thổ ngăn chặn làn sóng đỏ Liên Xô xâm lược là một bài học cho các lãnh đạo quốc gia biết mở mắt nhìn xa. Mặc dù là một nước trung lập trong thế chiến thứ hai, để lấy lòng Mỹ, lãnh đạo Thổ đã tình nguyện gởi 5500 quân tham chiến bên cạnh Mỹ trong chiến tranh Triều Tiên. Quân đội Thổ chiến đấu anh dũng nhưng cũng chịu đựng tổn thất rất nặng nề. Một nửa lực lượng Thổ đã chết và bị thương trong ba năm chiến tranh. Ngày 18 tháng 2 năm 1952, Thổ Nhĩ Kỳ chính thức trở thành hội viên của NATO và hùng mạnh đến ngày nay.

Nhật Bản là một ví dụ khác. Trong cuốn phim tài liệu Thế Giới Thiếu Mỹ (The World Without US) đạo diễn Mitch Anderson trích lời phát biểu của Thủ tướng Nhật Yasuhiro Nakasone “Nếu Mỹ rút khỏi Nhật Bản, chúng tôi phải dành suốt mười năm tới chỉ để lo tái võ trang trong nhiều mặt, kể cả sản xuất võ khí nguyên tử”. Một quốc gia có nền kinh tế lớn thứ ba trên thế giới với Tổng Sản Lượng Nội Địa năm 2011 lên đến 5855 tỉ đô la nhưng dành vỏn vẹn một phần trăm cho ngân sách quốc phòng chỉ vì Nhật dựa vào khả năng quốc phòng của Mỹ và sự có mặt của 35 ngàn quân Mỹ. Khác với chủ trương “đánh cho Mỹ cút ngụy nhào” của Hồ Chí Minh, trong một thống kê mới đây, 73 phần trăm công dân Nhật biết ơn quân đội Mỹ bảo vệ họ.

Đứng trước một miền Bắc điêu tàn sau mấy trăm năm nội chiến và thực dân áp bức, một giới lãnh đạo nếu thật tâm thương yêu dân tộc trước hết phải nghĩ đến việc vá lại những tang thương đổ vỡ, đưa đất nước ra khỏi cảnh đói nghèo, lạc hậu. Ngay cả thống nhất là một ước mơ chung và có thật đi nữa cũng cần thời gian và điều kiện. Con người trước hết phải sống, phải có cơm ăn, áo mặc, nhà ở, học hành trước khi nghĩ đến chuyện đoàn tụ với đồng bào và bà con thân thuộc.

Ngoại trừ các lãnh đạo Cộng Sản, trên thế giới chưa có một giới lãnh đạo thể hiện lòng yêu nước bằng cách giết đi một phần mười dân số, đốt cháy đi một nửa giang sơn của tổ tiên để lại, dâng hiến hải đảo chiến lược cho kẻ thù truyền kiếp của dân tộc mà gọi đó là “thống nhất đất nước” và “hòa hợp dân tộc”.

Cũng trong tài liệu chính thức của đảng, ngay cả trước khi ký hiệp định Geneve và khi Việt Nam chưa có một dấu chân người lính Mỹ nào, hội nghị lần thứ sáu của Trung ương Đảng CSVN từ ngày 15 đến 17 tháng 7 năm 1954, Hồ Chí Minh và bộ chính trị đảng CSVN đã nghĩ đến chuyện đánh Mỹ “Hiện nay đế quốc Mỹ là kẻ thù chính của nhân dân thế giới và nó đang trở thành kẻ thù chính và trực tiếp của nhân dân Đông Dương, cho nên mọi việc của ta đều nhằm chống đế quốc Mỹ”.

Vào thời điểm trước 1954, dân tộc Việt Nam thật sự có một mối thù không đội trời chung với Mỹ sâu đến thế sao hay giới lãnh đạo CSVN chỉ vẽ hình ảnh một “đế quốc Mỹ thâm độc đầu sỏ” như một lý do để chiếm toàn bộ Việt Nam bằng võ lực, và cùng lúc để phụ họa theo quan điểm chống Mỹ điên cuồng của chủ nô Mao Trạch Đông sau cuộc chiến Triều Tiên?

Ngày 30 tháng 4 năm 1975, sau gần một thế kỷ với bao nhiều tổn thất máu xương, tù ngục, mục tiêu Cộng Sản hóa Việt Nam của đảng cuối cùng đã đạt được. Lê Duẩn, trong diễn văn mừng chiến thắng vài hôm sau đó đã nói “vinh quang này thuộc về đảng Lao Động Việt Nam quang vinh, người tổ chức và lãnh đạo mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam”.

Lời phát biểu của họ Lê nhất quán với nghị quyết của đại hội Đảng Cộng sản Đông Dương do Trần Phú chủ trì năm 1930 và được Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương phê chuẩn vào tháng 4 cùng năm, ghi rõ: “Vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản trong cuộc cách mạng; hai giai đoạn cách mạng từ cách mạng tư sản dân quyền chống đế quốc và phong kiến nhằm thực hiện mục tiêu độc lập dân tộc và người cày có ruộng và sau đó chuyển sang làm cách mạng xã hội chủ nghĩa.”

Nguyễn Phú Trọng, Tổng bí thư đảng CSVN cũng lần nữa khẳng định “Ngay khi mới ra đời và trong suốt quá trình đấu tranh cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn luôn khẳng định: chủ nghĩa xã hội là mục tiêu, lý tưởng của Đảng Cộng sản và nhân dân Việt Nam; đi lên chủ nghĩa xã hội là yêu cầu khách quan, là con đường tất yếu của cách mạng Việt Nam…. Vào những năm cuối thế kỷ XX, mặc dù trên thế giới chủ nghĩa xã hội hiện thực đã bị đổ vỡ một mảng lớn, hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa không còn, phong trào xã hội chủ nghĩa đang trong giai đoạn khủng hoảng, thoái trào, gặp rất nhiều khó khăn, Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn tiếp tục khẳng định: “Đảng và nhân dân ta quyết tâm xây dựng đất nước Việt Nam theo con đường xã hội chủ nghĩa trên nền tảng chủ nghĩa Mác – Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh”.

Nhiều người cho rằng Nguyễn Phú Trọng nói những câu lạc hậu, lỗi thời mà không biết mắc cỡ. Tôi tin y nói một cách chân thành và hãnh diện. Nhờ tài lãnh đạo mà đảng CSVN đã tồn tại dù cả một hệ thống xã hội chủ nghĩa lớn mạnh như Liên Xô đã phải sụp đổ.

Đối diện với thời đại toàn cầu hóa, nội chung chủ nghĩa Mác về mặt kinh tế đã phải thay đổi để đáp ứng nhu cầu tồn tại của đảng nhưng cơ chế nhà nước toàn trị sắc máu theo kiểu Lê Nin, Stalin chẳng những được duy trì mà còn củng cố chặt chẽ và nâng cấp kỹ thuật cao hơn. Dù ngoài miệng có hát bài hòa hợp hòa giải thắm đượm tình dân tộc, bên trong, các chính sách của Đảng vẫn luôn kiên trì với mục tiêu toàn trị và bất cứ ai đi ngược với mục tiêu đó đều bị triệt tiêu một cách tàn nhẫn.

Dưới chế độ Cộng Sản, không những người dân bị ràng buộc vào bộ máy mà cả các lãnh đạo cũng sinh hoạt trong khuôn khổ tổ chức và nghiêm chỉnh thực thi các nguyên tắc lãnh đạo độc tài sắc máu do đảng của họ đề ra. Điều đó giải thích lý do giọng điệu của những cựu lãnh đạo Cộng Sản như Võ Văn Kiệt, Nguyễn Văn An, Nguyễn Khoa Điềm sau khi rời chức vụ giống như những người vừa được giải phẫu thanh quản, nói dễ nghe hơn nhiều so với thời còn trong bộ máy cầm quyền. Họ không phải là những người “buông dao thành Phật” nhưng chỉ vì họ đã trở về với vị trí một con người bình thường, ít bị ràng buộc trong cách ăn cách nói, cách hành xử, cách khen thưởng và trừng phạt như khi còn tại chức.

Giới lãnh đạo Cộng Sản được trui rèn trong tranh đấu, được huấn luyện chính trị từ cấp đội, cấp đoàn trước khi giữ các vị trí then chốt trong đảng và nhà nước CS. Họ nắm vững tâm lý và vận dụng một cách khéo léo tâm lý quần chúng để phục vụ cho các chính sách của đảng trong từng thời kỳ. Sau biến cố Thiên An Môn, để đánh lạc hướng cuộc đấu tranh đòi dân chủ của thanh niên sinh viên, nhà cầm quyền Cộng Sản Trung Quốc khai thác lòng căm thù chính sách quân phiệt của Nhật đã xảy ra từ thế kỷ trước. Lợi dụng việc Bộ Giáo dục Nhật bản liệt kê biến cố tàn sát Nam Kinh như một tai nạn trong sách giáo khoa, nhà cầm quyền Trung Quốc đã khuyến khích hàng chục ngàn thanh niên sinh viên Trung Quốc biểu tình suốt 3 tuần lễ trước tòa đại sứ Nhật. Việt Nam cũng thế. Trong chiến tranh biên giới 1979, các lãnh đạo CSVN đã lần nữa sử dụng thành công viên thuốc độc bọc đường “bảo vệ tổ quốc”. Máu của hàng vạn thanh niên Việt Nam đổ xuống dọc biên giới Việt Trung phát xuất từ tình yêu quê hương trong sáng và đáng được tôn vinh, tuy nhiên, nếu dừng lại một phút để hỏi, họ thật sự chết vì tổ quốc hay chỉ để trả nợ xương máu giùm cho đảng CSVN?

Với tất cả thông tin được phơi bày, tài liệu được giải mật cho thấy, cuộc chiến “chống Mỹ cứu nước” mà giới lãnh đạo CSVN đưa ra thực chất chỉ là cái cớ. Không có một người lính Mỹ nào đến Việt Nam, đảng vẫn cộng sản hóa miền Nam cho bằng được. Bộ máy tuyên truyền tinh vi của đảng thừa khả năng để nghĩ ra hàng trăm lý do khác để đánh miền Nam.

Đảng CSVN là nguyên nhân khiến cho nhiều triệu người Việt vô tội ở hai miền đã phải chết một cách oan uổng, bao nhiêu thế hệ bị suy vong, bao nhiêu tài nguyên bị tàn phá và quan trọng nhất, chiếc còng Trung Quốc mà đảng thông đồng để đeo trên cổ dân tộc Việt Nam mỗi ngày ăn sâu vào da thịt nhưng không biết làm sao tháo gỡ xuống đây.

Nói theo cách viết của nhạc sĩ Việt Khang “Việt Nam ơi thời gian quá nửa đời, và ta đã tỏ tường rồi”, chiến tranh xảy ra tại Việt Nam mà không ở đâu khác chỉ vì Việt Nam có đảng Cộng Sản.

Ngoại trừ các em, các cháu bị nhào nặn trong nền giáo dục ngu dân một chiều chưa có dịp tiếp xúc với các nguồn thông tin khách quan khoa học, nếu hôm nay, những người có học, biết nhận thức mà còn nghĩ rằng cuộc chiến kết thúc vào ngày 30 tháng 4 năm 1975 là cuộc chiến “chống Mỹ cứu nước”, những kẻ đó hoặc bị tẩy não hoàn toàn hoặc biết mình sai nhưng tự dối lòng để tiếp tục sống cho hết một kiếp người.

Cuộc đấu tranh vì tự do dân chủ đất nước hiện nay, do đó, còn rất khó khăn, đôi gánh non sông còn rất nặng và hành trình tự do còn khá xa xôi.

Sau 39 năm, “hàng triệu người buồn” như ông Võ Văn Kiệt nói, nếu chưa qua đời, hôm nay vẫn còn buồn.

Nhưng người buồn không phải chỉ từ phía những người lính Việt Nam Cộng Hòa bị buộc buông súng, từ phía nhân dân miền Nam bị mất tự do mà còn là những người miền Bắc, cả những người trong đảng CS đã biết ra sự thật, biết mình bị lừa gạt, biết mình đã dâng hiến cả một cuộc đời trai trẻ cho một chủ nghĩa độc tài, ngoại lai, vong bản.

Gần mười năm trước tôi kết luận bài viết về ngày 30 tháng 4 bằng ba phân đoạn dưới đây và năm nay, tôi kết luận một lần nữa cũng bằng những dòng chữ đó để chứng minh một điều, tuổi trẻ của tôi có thể qua đi nhưng niềm tin vào tuổi trẻ trong tôi vẫn còn nguyên vẹn.

Như lịch sử đã chứng minh, chính nghĩa bao giờ cũng thắng. Không có vũ khí nào mạnh hơn sức mạnh đoàn kết dân tộc. Chỉ có sức mạnh Đoàn Kết Dân Tộc, chúng ta mới có khả năng bảo vệ được chủ quyền và lãnh thổ Việt Nam, chỉ có sức mạnh Đoàn Kết Dân Tộc chúng ta mới có khả năng vượt lên những hệ lụy quá khứ để hướng vào tương lai tươi sáng cho đời đời con cháu mai sau và chỉ có sức mạnh Đoàn Kết Dân Tộc chúng ta mới có khả năng phục hồi sự kính trọng Việt Nam trong lân quốc cũng như trong bang giao quốc tế.

Ngày 30 tháng 4, ngoài tất cả ý nghĩa mà chúng ta đã biết, còn là ngày để mỗi chúng ta nhìn lại chính mình, ngày để mỗi chúng ta tự hỏi mình đã làm gì cho đất nước, và đang đứng đâu trong cuộc vận hành của lịch sử hôm nay. Mỗi người Việt Nam có hoàn cảnh sống khác nhau, quá khứ khác nhau, tôn giáo khác nhau và mang trên thân thể những thương tích khác nhau, nhưng chỉ có một đất nước để cùng lo gánh vác. Đất nước phải vượt qua những hố thẳm đói nghèo lạc hậu và đi lên cùng nhân loại. Không ai có quyền bắt đất nước phải đau nỗi đau của mình hay bắt đất nước phải đi ngược chiều kim lịch sử như mình đang đi lùi dần vào quá khứ. Sức mạnh của dân tộc Việt Nam không nằm trong tay thiểu số lãnh đạo CSVN. Tương lai dân tộc không nằm trong tay thiểu số lãnh đạo CSVN. Sinh mệnh dân tộc Việt Nam do chính nhân dân Việt Nam quyết định. Và do đó, con đường để đến một điểm hẹn lịch sử huy hoàng cho con cháu, chính là con đường dân tộc và không có một con đường nào khác.

Ba mươi bảy năm là một quảng đường dài. Chúng ta đã hơn một lần trễ hẹn với non sông, nhưng không phải vì thế mà không còn cơ hội. Cơ hội vẫn còn đó nếu chúng ta biết đoàn kết, thấy được hướng đi chung của dân tộc và thời đại. Chúng ta có nhiều quá khứ nhưng đất nước chỉ có một tương lai, đó là tương lai tự do, dân chủ, nhân bản và khai phóng cho những ai, sau những điêu tàn đổ vở, còn biết nhận ra nhau, còn biết yêu thương mảnh đất thiêng liêng, vinh quang và thống khổ Việt Nam.

Trần Trung Đạo
(30/4/2012, 30/4/2013, 30/4/2014)

Nguồn: FB Trần Trung Đạo

Dương Như Nguyện – THÁNG TƯ ĐEN…VỌNG ĐẤT TRỜI

In Cộng Đồng, Văn Chương on 2014/04/17 at 09:08

Viết cho những ai từ 1975 đến nay bước vào một quốc gia mới với tư cách là người tỵ nạn …

Đỏ là đỏ trái tim non
Tại sao đỏ hết giang sơn ngậm ngùi
Tháng tư đen, vọng đất trời
Nén nhang thiên cổ cho người tha hương

Tháng tư đen
Này, tim ta máu đỏ
Trời đất đen
Ai nhuộm đỏ trời Nam?

Cúi đầu thật thấp
Vì đâu vinh?
Vì đâu nhục?

Ngửa mặt lên cao
Làm sao nhớ?
Làm sao quên?

Biếc trời xanh…
Hư vô là bất tận
Làm sao không ngó xuống mảnh linh hồn?
Hay chỉ là dư âm trong tiếng hát
Hận trong lòng chôn nỗi nhớ nhung suông…

Tím thời gian
là rũ rượi không gian
Cờ xếp lại
Ủ ê đời chiến sĩ

Cờ thôi bay, giang sơn nằm đáy huyệt
Làm sao không chua xót chuyện vuông tròn
Nay chỉ còn dư âm trong kỷ niệm
Mảnh linh hồn, vạn nẻo, nhớ nhung suông…

Vọng tượng đài
Nỗi buồn xuyên thế kỷ
Biếc trời xanh
Đỏ ửng mạch tim non

Đỏ làm chi?
Từ tim hay từ lửa?
Đốt hồn ai, thử thách kẻ can trường

Tháng tư đen
Đỏ bừng cơn uất hận
Hạt mưa đen
Dòng máu đỏ còn tuôn

Biếc trời xanh
Hay tím cả thời gian
Hỏi nhân loại:
Cớ sao mình vong quốc?

Đen trời xanh
Và đỏ cả không gian
Trách lịch sử:
Tạo nên đời mất nước…

Dương Như Nguyện
April 2014

Tô Hải – Nhân 30 tháng 4, tôi tuyên bố

In Lịch Sử, Liên Kết, Tạp văn, Việt Nam on 2013/05/03 at 10:52

… Tưởng rằng mình đã hết ý để nói về cái ngày “tưởng rằng vui” 30 tháng 4 này. Lý do: Năm nào mình cũng có viết về nó với những ý mới.

Nhớ lại suốt 5 năm về già vui thú với bờ-nốc-bờ-niếc, mình đã từng vạch trần ra cái âm mưu áp đặt bằng võ lực lên toàn thế giới (mà thành công một bước mới là trên mảnh đất chữ S), một chế độ mà tất cả mọi con người đều bị biến thành một “trại súc vật”, sống thế nào? làm thế nào? vui buồn, yêu, ghét ra sao?… thậm chí cả chết kiểu nào cũng đều do một nhóm người ưu tú nhất mang tên Đảng Cộng sản quyết định!

1– Mình còn nhớ mình đã ghi lại cái cảnh ông Hoàng Tùng, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên huấn, dặn dò bọn văn nghệ sỹ chúng mình khi thẳng đường bay thẳng vô Nam: Bằng một cử chỉ hung hăng, ông hùng hồn giơ hai nắm đấm trước ngực đấm đấm vào nhau mà nói: “Cuộc chiến đấu ai thắng ai hãy tạm dừng ở đây! Chúng ta cần có thời gian để củng cố lực luợng, cải tạo bọn ngụy và… nếu có sức chúng ta chẳng ngại gì không… tiến thẳng tới New Delhi!”

2– Mình cũng là người đã “sợ” cái chuyện trắng trợn tuyên bố và kể công lao to lớn của mấy ông trùm cộng sản khi huênh hoang với toàn thế giới “Chính nhờ có họ, mà một nước nhỏ đã đánh thắng ba đế quốc to” trong khi đó chỉ cách đó không lâu họ vẫn xưng xưng: “Không có chuyện Miền Bắc xâm lược Miền Nam”. Và họ cũng không muốn hoặc không đủ khả năng hiểu nổi câu đối đáp của vị Thủ tướng Thái Lan là: “Nước tôi hân hạnh vì một nước nhỏ mà KHÔNG PHẢI ĐÁNH NHAU VỚI MỘT NƯỚC TO NÀO…” nghĩa là gì v.v và v.v.

3– Mình cũng đã vạch thẳng thừng ra cái sự “miền Bắc được giải phóng” cả về sinh hoạt lẫn tư tưởng bằng những câu chuyện: miền Bắc như hàng triệu cái lò xo lâu nay bị đè ép, bỗng bung ra và không có một sức mạnh nào có thể ngăn cản được. Bằng những câu chuyện sớm “tự cải tạo” từ cách suy nghĩ đến cách sống và làm ăn, người miền Bắc mà 99,9% đều có người thân hy sinh cho cách mạng, đều có người là đảng viên, lao đầu vào những thứ phồn vinh giả tạo như những con thiêu thân,… kệ ai cao đạo giáo dục “cảnh giác, giữ vững lập trường”!!! Trong khi ở miền Nam, người ta cấm “nhạc vàng nhạc ngụy”, đốt sách ngụy thì miền Bắc, oang oang ngày đêm những Giao Linh, Khánh Ly,… sách “phản động đồi trụy” cứ ùn ùn kéo ra Bắc, làm mê say cả mọi lớp người lâu nay chỉ biết ăn có món văn nghệ tuyên truyền cho Đảng!

4– Mình cũng vạch ra cái ngu cực kỳ do tính “kiêu binh hỗn xược” của bọn tưởng rằng mình thắng cuộc thì muốn nói gì thì nói, làm gì thì làm khi vừa tuyên bố “Mọi người Việt Nam đều là người chiến thắng” thì ngay hôm sau đánh lừa cả gần triệu sĩ quan và cán bộ cao cấp “ngụy” mang 20 ngày gạo “đi học tập” rồi giam không án không hạn tù trong các trại gọi là cải tạo khắp nơi thâm sơn cùng cốc rừng sâu nước độc suốt cả chục năm trời hoặc hơn… khiến không ít người bỏ xác nơi nào chả ai biết hoặc nếu sống sót trở về thì có đi H.O. cũng chỉ còn là những thân xác ốm yếu vì bị đọa đày cho thân tàn ma dại! Kèm theo là cả chục triệu những con người là vợ con, người thân,… của họ bị mang hận thù suốt năm này qua tháng khác vì bị cưỡng bức đi kinh tế mới, hoặc đành liều mạng vượt biên, người đến nơi nào đó làm “quê hương thứ hai”, người bỏ xác nơi đại dương, đến cái xương cũng không còn đường về quê mẹ! Trong khi đó, tối tối, con em họ phải tập trung để “bị” học hát: “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng” hoặc “Đêm qua em mơ gặp Bác Hồ”!

Mình đã chửi thẳng những thằng “bên thắng cuộc” cho là “các cháu Miền Nam khoanh tay, cúi đầu chào khách là… ảnh hưởng của chế độ phong kiến” (!?) cũng như bọn chủ trương phổ biến những bài hát chiến thắng huênh hoang là những bọn cực kỳ ngu xuẩn và hoàn toàn không có một xu tâm lý học!

Riêng về mặt văn hóa văn nghệ, đã hơn một lần mình đã nói thẳng cái “hơn hẳn” của văn nghệ sỹ, trí thức miền Nam chân chính. Đó là:

a- Họ hoàn toàn tự do, muốn viết gì thì viết, muốn theo trường phái nào thì theo, hoàn toàn tự do sáng tác kể cả viết những gì mà chính quyền không mong muốn…

b- Họ được tự do tiếp xúc với đủ mọi thứ văn hóa nghệ thuật nước ngoài kể cả với những tác phầm của phe cộng sản.

c- Đa số đều thành thạo 1 hoặc 2 ngoại ngữ giúp họ sớm tiếp cận với những gì là văn minh tiến bộ nhất của loài người. Trái lại văn nhân nghệ sỹ miền Bắc, trừ những người theo Tây học trước 45, hầu hết đều… mù ngoại ngữ nên chỉ biết Shakespeare, Balzac,… qua bản dịch. Còn những tác phẩm hiện đại thì chỉ “nghe mấy anh văn nghệ có quyền” phán rằng là “Camus, Sartre… nó phản động thế này,…thế kia,…” nên rất chi là nhục nhã khi tự mình tổ chức ra cái hội nghị lên án “văn hóa thực dân mới” giữa cái đất Sài Gòn đầy những trí thức am hiểu, sành Triết Tây lẫn những fan của Sartre của Camus!

Điều tự sỉ nhục này mình đã lấy làm cái cớ để động viên cả nhà Phạm Duy còn bị kẹt lại Sài Gòn (mà trực tiếp đến với mình là Phạm Đình Chương và Duy Quang) là: “Hãy tìm đường mà cuốn xéo nhanh kẻo có ngày mất mạng vì phản ứng với cái bọn “kiêu binh văn hóa cộng sản” này”. Và tất cả họ đã nghe theo mình…

Cái ĐƯỢC và MẤT của 30 tháng 4, Nguyễn Khải, trên giường bệnh đã nói thẳng không ngại ngùng (vốn có theo bản tính thận trọng) là: Miền Bắc đã cho tôi ĐỘC LẬP, Miền Nam đã cho tôi TỰ DO… Còn tớ thì lại: CHÍNH NHỜ MIỀN NAM NÀY MÀ MÌNH ĐÃ TÌM ĐƯỢC Ý NGHĨA CỦA CẢ ĐỘC LẬP LẪN TỰ DO.

5– Cũng chính mình đã đưa ra cái ý kiến về câu “Có triệu người vui cũng có triệu người buồn“ của ông Võ Văn Kiệt là: “Bề trên”, “Kẻ cả” và cực kỳ… “chủ quan” bằng những lý lẽ để “bổ sung” (thực chất là để “bác bỏ”).

Rằng thì là: “Chẳng có cái tỷ lệ chung chung, bằng nhau đó đâu!” Sự thật thì cái ngày 30 tháng 4 đó có mở ra một vài hướng sống mới cho riêng dân miền Bắc, cả 30 năm sống kiếp ngựa trâu nhưng lại là bắt đầu cả một giai đoạn cực khổ tủi nhục, bất công chưa từng thấy cho toàn thể nhân dân miền Nam!

Đặc biệt khi chủ nghĩa cộng sản, sau khi ra mặt công khai lãnh đạo toàn diện cả cái nước “xuống hố cả nút” này rồi… thoái hóa tới mức “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa???” thì… mọi mặt xã hội của cả hai miền đều bị dìm vào các cuộc đại… “loạn”… Vô tướng bất tài, vô lương tâm, vô học… đã trở thành những ông chủ thực sự từ xã đến trung ương, đã nắm tất tần tật mọi chức vụ quyết định sự sinh tồn của đất nước, kể cả… bán hay không bán nước!!!

Vậy mà cứ đến ngày 30 tháng 4 đến họ lại không ngớt dùng bộ máy khổng lồ tuyên truyền của họ cao giọng huênh hoang, tăng cường chửi Mỹ, chửi “ngụy”. Dù có đôi chút hạn chế hơn trước (tỉ như thỉnh thoảng có nhắc tới cái tên Việt Nam Cộng hòa, “ông” naỳ, “ông” kia… chứ không xách mé, hỗn xược, khinh người như trước) nhưng vẫn không ngớt phịa ra các thứ chiến công tưởng tượng như “giải phóng Trường Sa”, như “tiến đánh dinh Độc Lập”, kể cả “địa đạo trại Davis”, những chuyện chẳng ai biết, chẳng ai làm chứng những ngày 30 tháng tư trước bao giờ!… Cứ như đánh đâu thắng đấy nhưng sự thật thì như mình đã viết: Đây là một cuộc đá bóng mà một bên đã ra khỏi bãi vì không đá nữa! Vậy có có đá với ai đâu mà “đá thắng” cơ chứ!?

Tóm lại, đã qua 38 năm cái 30 tháng 4, mỗi lần nó đến, mình chỉ buồn chứ chẳng vui chỉ vì:

Mỗi lần nó đến lại gợi lại nỗi phân chia đôi ngả của cả một dân tộc ViệtNam, trong đó có gia đình mình: Cả 6 đứa em đều không sao đàng hoàng về thăm lại nơi chôn rau cắt rốn. Còn thằng anh cả duy nhất còn ở lại Việt Nam này thì chưa chắc lúc chết được đặt nắm tro tàn cạnh Bố Mẹ; anh em, con cháu họ Tô chắc vẫn chỉ là một giấc mơ khó trở thành sự thực! Ôi! 30 tháng Tư, mình là một trong những kẻ đau nhất vì MẤT nhiều nhất!

Mỗi lần nó đến lại như khoét sâu vào những nỗi đau của cả triệu triệu con người, vì nó mà con mất cha, vợ mất chồng, dân mất nước để cho một lũ chẳng một ngày xung phong cầm súng, chẳng một ngày đánh Pháp, đuổi Nhật, thậm chí cả chẳng một ngày “chống Mỹ xâm lược” bỗng dưng ăn trên ngồi trốc, làm vua hiểu dụ thần dân những điều vô lý, vô lẽ, vô luân… mà vẫn dám vỗ ngực là cộng sản, là “chủ tập thể” của đất đai, là không có tam tứ quyền phân lập, phân liệt gì sất… nào là tao có quyền lãnh đạo tuyệt đối muôn năm đất nước này, là quân đội do tao dựng lập ra nên phải phục vụ tao!, rằng… tao nhất định sẽ lên… thiên đường! Kẻ nào phản đối, tao cho vô tù hết! Nhà tù 30 tháng Tư nào cũng được mở rộng để khoan hồng cho những tên cướp, giết, hiếp, nhưng cũng để rộng chỗ cho những người “thoái hóa” như Phương Uyên, Điếu Cày, Nguyễn Tiến Trung… và tất cả những tên lưu manh trí thức, cơ hội chính trị…!

Rõ ràng, những kẻ kiêu binh ăn mày dĩ vãng tanh mùi máu và đẫm mặn nước mắt đang ngày càng gây thêm thù, thêm oán…

Rõ ràng 30 tháng 4 không hề làm cho họ phải giật mình soi lại xem vì sao từ những giới trẻ như nhóm sinh viên luật đến lớp già như những trí thức, đảng viên lão thành lại ngày càng đông người ra mặt công khai lên tiếng phản đối mọi chủ trương đường lối phản nước hại dân của những đàn sâu phá hoại đất nước cực kỳ…

Và mình, đến hôm nay, nhân ngày 30 tháng 4/2013, cũng nhân thể nhắc các bạn gần xa đọc lại trên to-hai.blogspot.com những gì mình đã tóm tắt lại ở trên mà tuyên bố rằng:

CHÍNH NGÀY 30 THÁNG 4 NÀY LÀ NGÀY ĐÃ GIẢI PHÓNG CHO TÔI, MỘT CÔNG DÂN MIỀN BẮC, KHỎI KIẾP NÔ LỆ MỘT THỨ TRIẾT HỌC CHÍNH TRỊ NGOẠI LAI CỰC KỲ PHẢN ĐỘNG VÀ SẼ NGUYỆN GÓP SỨC ĐỂ SỚM CHÔN VÙI NÓ CÙNG VỚI NHỮNG KẺ SỐNG BÁM VÀO NÓ TRONG NHỮNG NĂM THÁNG CÒN LẠI CỦA CUỘC ĐỜI!

Nguồn: blog Nhạc sĩ Tô Hải