vietsoul21

Chúng tôi (Tự trào – Trí Thức – Tâm Tài)

In Cộng Đồng, talawas, Tạp văn, Việt Nam on 2010/06/15 at 14:52

” Để xoa dịu dị ứng của lương tâm, chúng tôi cũng làm việc thiện, việc phước đức đóng góp cho hội thập tự, bỏ thùng phước sương, giúp xây trường học, giúp quỹ xây cầu, v.v… Nó tạo một khoảng cách tình cảm an toàn giữa chúng tôi và đối tượng. Chúng tôi sống ở chốn bình an, không phải là những người khốn khó đó. Chúng tôi và “họ” là hai thực thể tách biệt. Người làm phước và người được ban phát. Những việc làm đó dần dà tăng sức đề kháng với dị ứng và đến một lúc nào đó chúng tôi được miễn nhiễm.”

—————

Vi Nhân

The opposite of courage is not cowardliness, it is conformity.”

(Anonymous)

The opposite of love is not hate, it’s indifference.  The opposite of art is not ugliness, it’s indifference.  The opposite of faith is not heresy, it’s indifference. And the opposite of life is not death, it’s indifference.”

(Elie Wiesel, Holocaust Survivor)

Cái Tôi của tôi rất lớn nhưng trên diễn đàn mạng thì xin phép các bác cho tôi ôm/vơ/dựa vào đám đông xưng là chúng tôi để thưa chuyện.

Chúng tôi lớn lên trong buổi giao thời, chưa đủ tuổi để tham gia vào cuộc chiến tương tàn cốt nhục. Nhưng dẫu sao chúng tôi cũng đã nghe những tiếng đạn pháo kích nửa khuya và hoảng hốt chui xuống hầm tránh đạn. Chúng tôi thấy dấu máu và tường sập do bị đặt chất nổ ở rạp xi nê mà bạn bè chúng tôi đã nhiều lần cúp cua đi xem phim hồi hộp. Chúng tôi thấy những chiếc xe cam nhông nhà binh chở đầy quan tài phủ cờ quốc gia. Chúng tôi đưa tang, làm giỗ chạp cho anh, cho chú. Chúng tôi cũng bao lần bỏ nhà, bỏ cửa để chuộc mạng di tản, chạy giặc. Rồi chúng tôi trôi dạt tới đất “xin nhận nơi này làm quê hương” thứ hai, kẻ đeo càng trực thăng, người leo lưới nhảy tàu, ai bọc giấy thông hành, và bao người chôn dầu vượt biển. Có hề gì, hãy quên đi cái mảng đời ấy.

Đất nước ngày xưa của chúng tôi bây giờ thì lại đang tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc vào thời kỳ đồ đểu. Đểu qua sự dối trá của chữ nghĩa. Ông láng giềng to kềnh trở thành người “lạ”. Hữu hảo là bảo gì gật ấy. Đầy tớ nhân dân là đày đọa đồng bào. Diễn tiến hoà bình là tiến trình “phản động” cần đề cao cảnh giác. Quốc Hội là cơ quan lập pháp tối cao đại biểu nhân dân nhưng mọi việc phải chờ chủ trương của ban chấp hành trung ương của Đảng CSVN chỉ đạo. Đồng thuận đồng nghĩa với đồng im lặng, đồng gật đầu. Chúng tôi cùng nhau đi theo lề phải, cùng tung hứng nhịp nhàng với loa to, miệng gang miệng thép, để quan lộ hanh thông chứ. Chúng tôi thức thời biết sống với đểu. Chúng tôi là những người sành điệu. Vui thôi mà!

Dù bên này hay bên kia đại dương thì chúng tôi vẫn vui vẻ đánh đu với chữ nghĩa. Chúng tôi thích làm xiếc với phạm trù (triết học, mỹ học, văn học, sử học, v.v…) Hơn thế nữa, chúng tôi dùng mọi khả năng tri thức để tìm chỗ ẩn nấp cho lương tri. Vì mang sứ mệnh trí thức nên chúng tôi không bao giờ muốn để lương tri mình ở nơi thấp kém như gầm cầu, xó chợ. Nó phải được trịnh trọng bưng vào an tọa trong nơi kinh các, thư phòng, hí viện cho xứng đáng nhân thân.

Tâm của chúng tôi thì tròn trịa như viên bi, được dũa mài, được đánh bóng, lóng lánh muôn màu. Bi có thể lăn khắp mọi nơi, mọi hướng, không nằm yên một chỗ vì chỉ động đậy một chút là nó lăn theo hấp dẫn trọng lực (quyền lực). Tâm của chúng tôi được đong đếm, so sánh, cân nhắc với Tài để xem chữ Tâm có được bằng ba chữ Tài.

Chúng tôi thầm kín đắn đo mọi suy nghĩ và hành động vì Tài thì mọn mà Tâm thì mỏng. Trong chúng tôi có kẻ cố rèn luyện kỹ năng chuyên nghiệp và đồng thời mài dũa tâm cho đến một lúc nào đó thì tài cao học hẹp và lương tri tròn trụi. Chúng tôi cùng tự nhận với nhau là trí thức nhưng Tài thì nhỉnh nhỉnh cỡ một bồ và Tâm thì xình xình đâu một rổ. Toàn những chuyên viên chuyên cần chăm chỉ hạt bột. Thế nhưng cái Ngã thì to đùng. Chúng tôi ôm lấy cái chức vị, cái học vị như danh tánh bản thể (personal identity) không thể tách rời hoặc cắt đứt. Chúng tôi sợ chết lắm. Nhưng còn sợ hơn là sống mà bị mất chức danh. Như thể đời tàn. Chúng tôi cố bám lấy cái danh trông vẻ mỹ miều ấy. Nhất quyết phải che chở bao bọc và bán đổi nhiều thứ để an phận giữ lấy “danh”. Ai như cái ông Hữu Loan nào ấy dấm dớ chỉ vì thật mà bỏ tất cả về quê đi cày đi bừa, đi đốn củi, đi thồ đá. Cứ nhũn đi một tí, cứ dối đi một tị thì chả việc gì! Đúng là con nhà tá điền, nhà nông, quê mùa chả biết gì. Thế đấy, cái Tâm của một người chất phát yêu, ghét quá rõ ràng, chẳng biết màu mè hay dấu diếm. Nên chỉ thiệt thân!

Trong giới chúng tôi nghe đâu có một chàng đeo càng sang đây, xấp xỉ tuổi “anh Ba”[1], mạnh mồm miệng ông Triết (gia). Cũng ngang hàng với người ta, cũng nói năng đúng mức đàng hoàng … Cũng biết cách tư vấn “… vấn đề này là khó lắm đó … chúc ông nỗ lực làm được việc này … vừa động viên … vừa phân hoá” …[2] Ông có viễn kiến tiến trình dân chủ hoá đất nước và chuyện bỏ tù dăm ba người hoạt động dân chủ cũng là chuyện nhỏ. Vì theo cái nhìn biện chứng và sử tính thì mạng con giun cái kiến chả là gì! Con giun cái kiến chẳng thể nhìn xa hiểu rộng—không phân biệt hiện tượng và bản chất, không phóng chiếu tư duy, không nắm được tất yếu của lịch sử, của thời kì quá độ (quá đáng) nên bao nhiêu cũng bị “hy sinh” tế sống cho một đảng “bách chiến bách thắng”. Nhằm nhò chi. Run rủi sao chúng tôi (kể cả ông ấy) đã làm chuyện “phản động”, “phản bội tổ quốc”, bỏ nước ra đi nên bây giờ được hưởng tự do, có nhà (không) cao (nhà trệt), cửa rộng (theo tiêu chuẩn). May là lúc đó đổ khùng “phản động” chứ chờ bây giờ lò mò ra đi theo hạng xuất khẩu lao động làm người rơm, người rừng[3] còn gian truân hơn kiểu “Bác Hồ ra đi tìm đường cứu đói”. Có dại gì mà làm chuyện “chống phá nhà nước”!!!

Chúng tôi có đủ tri thức để tán hươu Đông Tây kim cổ. Tri thức này được trang bị với tinh thần duy lý của hệ thống giáo dục Tây phương nên mọi việc, mọi thứ đều có thể được miêu tả, đong đếm, phân loại, sắp hạng, so sánh, phân tích, và tổng hợp. Mọi luận án, đề án đều có phần kết luận gần như bất khả thi hay tránh né thực hiện. Đó không phải là việc của chúng tôi! Chúng tôi có đủ khả năng lý luận ngụy biện cho mọi việc, với người khác, với nhau, và với cả bản thân. Điều đó không có gì khó vì chúng tôi là những chuyên gia tỉnh lẻ, quen thói tuân thủ nên rất dễ được thuyết phục.

Sinh ra và lớn lên ở Việt Nam vùng Đông Nam Á nên chúng tôi được nghe rất nhiều triết lý Phật giáo và Thiền. Chúng tôi bảo nhau đừng nhìn cái ác và cái thiện trong con mắt của người phàm, từ ý thức trần thế, mà phải nhìn từ ngoài thuyết lưỡng phân. Thiện Ác thì mắt phàm sao thấy được cho nên đừng có mà lên tiếng, chớ có mà hành động để tránh được nhiều phiền toái và thân tâm an lạc. Hơn nữa chúng tôi tin vào cái nghiệp. Chúng tôi có mặt ở xứ tự do, được cuộc sống an lành đó là phước đức ông bà để lại. Còn những đồng bào bị áp bức, bị khổ đau thì cũng là tại cái nghiệp của họ. Cái nghèo, cái đói, cái ngu nào phải do chính quyền thối nát, xã hội đảo điên gây ra. Họ phải chịu trách nhiệm cho bản thân họ như thế thôi. Chúng tôi còn nhắn nhủ nhau nên nhìn vấn đề như những công án thiền—lục lạo và đối chiếu xem cái nào hợp với lý của mình. Chúng tôi cười trên huyên náo của thời cuộc, với cái nhìn của “thức giả” nằm ngoài sự việc và hiện thực, cho rằng mọi hành động chỉ là trò đời, rốt cuộc sự việc trên đời rồi vậy vẫn vậy. Kế sách của chúng tôi là án binh bất động. Chúng tôi lý luận cả hai mặt của một vấn đề (two sides of a coin) (chớ vu là ba phải, vì chỉ mới có hai) nhưng chỗ đứng của chúng tôi thì nhất định phải nằm ở mặt nào (mặt dày) sinh lợi, ít ra là không có hao hụt quyền lợi và danh tánh tùy thuộc vào hoàn cảnh, thời gian. Cùng quá thì ghạt ngang, mắc mớ chi để bàn cãi, tranh luận vì đồng tiền một mặt, hai mặt đã nằm trong túi của tui.

Thật lòng mà nói thì chúng tôi cũng cảm thấy khó chịu và dị ứng với những áp bức, bất công, và giới hạn tự do. Chúng tôi loay hoay, ngứa ngáy do tác động dị ứng và đi tìm liều thuốc xoa dịu. Rất may, chúng tôi có một kho thuốc trị liệu truyền thống: tư tuởng Khổng giáo, Lão giáo, và Phật giáo. Mỗi dị ứng đều có một toa thuốc trị liệu. Nước có minh quân thì ta phò, hôn quân thì ta về ở ẩn. “Con vua thì lại làm vua, con sãi ở chùa phải quét lá đa” có gì mà thắc mắc. Vô vi lão luyện trường sinh. “Đời là bể khổ” và mỗi người có cái nghiệp riêng. Để xoa dịu dị ứng của lương tâm, chúng tôi cũng làm việc thiện, việc phước đức đóng góp cho hội thập tự, bỏ thùng phước sương, giúp xây trường học, giúp quỹ xây cầu, v.v… Nó tạo một khoảng cách tình cảm an toàn giữa chúng tôi và đối tượng. Chúng tôi sống ở chốn bình an, không phải là những người khốn khó đó. Chúng tôi và “họ” là hai thực thể tách biệt. Người làm phước và người được ban phát. Những việc làm đó dần dà tăng sức đề kháng với dị ứng và đến một lúc nào đó chúng tôi được miễn nhiễm.

Miễn nhiễm lương tâm.

Miễn bàn.

© 2010 Vi Nhân

© 2010 talawas, http://www.talawas.org/?p=21341

_________________________________________________________

CHÚ THÍCH:

[1] anh Ba Dũng, Thủ Tướng CSVN Nguyễn Tấn Dũng

[2] Nguyễn Minh Triết “lòe” Việt Kiều

[3] Những bước chân đổi đời gian nan …

Các bài liên hệ:

(Phản) Phản Biện và Sự Thật

Tôi là người Việt Nam

Những cái nhập nhằng không tênThe Unspoken Ambiguities

Các bài trên Tạp chí Da Màu:

Tháng Tư Câm

Hồn ma và xương khô

Nhạc minh hoạ: Trái Tim Tôi Là Bến – My Heart is The Shore – Phan văn Hưng

Bình luận về bài viết này