vietsoul21

Posts Tagged ‘hậu thuộc địa’

Nguyễn Hưng Quốc – Tôi không chống Cộng

In Chính trị (Politics), Liên Kết, Tạp văn, Việt Nam on 2013/05/09 at 15:04

Ở cả hai lần bị cấm nhập cảnh vào Việt Nam (11/2005 và 4/2009), tôi đều không nhận được lời giải thích thỏa đáng nào từ chính quyền Việt Nam. Nhưng tôi nghe được phong thanh đâu đó: người ta cho là tôi “chống Cộng”. Mà không phải từ phía chính quyền, một số bạn đọc ở hải ngoại, ngay cả những người có vẻ có cảm tình với tôi cũng thường nói: Tôi “chống Cộng”. Riêng tôi, xin nói một cách thành thực: Tôi không hề chống Cộng.

Viết thế, tôi biết nhiều bạn đọc sẽ ngạc nhiên. Tuy nhiên, trước khi đánh giá (hay chụp mũ), xin đọc tiếp phần giải thích phía dưới.

Tôi nói tôi không chống Cộng vì hai lý do chính:

Thứ nhất, tôi không thích chữ “chống”. “Chống”, trong tiếng Việt, khác với các từ hoặc từ tố được xem là tương đương trong tiếng Anh như “fight”, “against”, “counter-” hay “anti-”, thường gợi lên hai ấn tượng chính: một, gắn liền với tổ chức, và hai, có tính chất bạo động. Tôi không thích cả hai. Với bạo động, tôi tuyệt đối không thích. Với tổ chức, tôi trân trọng và nghĩ nó cần thiết, hơn nữa, một nhu cầu tất yếu trong đời sống xã hội, nhưng tôi lại không thích nằm trong bất cứ một tổ chức nào; thậm chí, tôi cũng chưa từng đi biểu tình hay ký tên vào bất cứ một kiến nghị chung nào (1), dù, trên nguyên tắc, có thể tôi đồng tình và ủng hộ những việc làm ấy. Tôi không làm những việc ấy chỉ vì một lý do đơn giản: Tôi không thích ở trong “đội ngũ”, dù lâu dài hay tạm thời, chính thức hay không chính thức. Vậy thôi. Khác với Chế Lan Viên, tác giả của câu thơ “Khi đứng riêng tây, ta thấy mình xấu hổ”, tôi chỉ thích đứng một mình. Khi phê phán bất cứ điều gì, tôi chỉ đứng từ góc độ một người trí thức; mà trí thức, tự bản chất, nói theo Edward W. Said, là kẻ lưu vong, nghĩa là, nói cách khác, một mình. Viết, tôi chỉ nhân danh chính mình và những gì mình tin là đúng. “Lực lượng” của tôi chỉ có sách vở và kinh nghiệm, kiến thức và lý trí, lương tâm và lương thức. Còn phương tiện, trước, với cây bút; sau, với bàn phím: Ở cả hai nơi, tôi chỉ có chữ. Hết.

Thứ hai, quan trọng hơn, ở thời điểm bây giờ, theo tôi, nói chống Cộng là nói chống cái không có, hay đúng hơn, cái không còn hiện hữu nữa.

Lý do thứ hai này cần được giải thích nhiều hơn:

Cái gọi là “chống Cộng” bao gồm hai nội dung chính: một, chống lại chủ thuyết Cộng sản (chủ yếu là chủ nghĩa Marx và chủ nghĩa Lenin); và hai, chống lại chế độ Cộng sản. Với cả hai nội dung ấy, trước năm 1975, nói chống Cộng: Được; trước năm 1990, nói chống Cộng: Được. Nhưng sau năm 1991, nói chống Cộng là nói một điều thừa thãi, thậm chí, vô duyên. Và có hại.

Trong việc chống Cộng, trước năm 1991, hai khía cạnh chống chủ thuyết (hoặc ý thức hệ) và chống chế độ (hoặc một guồng máy) là một. Chế độ, vốn cụ thể, gắn liền với hệ thống chính trị, tức là hệ thống quyền lực, là mục tiêu chống đối trước mắt. Nhưng sức mạnh của chế độ Cộng sản không phải chỉ ở đảng viên, cán bộ, quân đội, công an, súng đạn và các nhà tù. Sức mạnh của chế độ Cộng sản còn ở các lý tưởng tự do, bình đẳng cũng như cái thiên đường Cộng sản chủ nghĩa vốn có sức mê hoặc to lớn đối với mọi người, đặc biệt với giới trí thức vốn khao khát những điều cao cả, có tầm nhân loại. Hơn nữa, nó còn nằm ở các ảo tưởng về tính khoa học của chủ nghĩa Cộng sản hay ở cái gọi là tính tất yếu trong quy luật phát triển của lịch sử. Bởi vậy, người ta không thể chống lại chế độ Cộng sản chỉ bằng các phương tiện vật chất. Người ta phải chống lại chế độ Cộng sản ngay cả trong phạm trù tư tưởng, trong lãnh vực nhận thức, nghĩa là bằng các phương tiện tuyên truyền và giáo dục, nhắm thẳng vào những tên tuổi như Marx, Engels, Lenin và Stalin, những người đã chết; hơn nữa, bằng một bảng giá trị khác, cao hơn, hiện hữu ngay trong đời sống xã hội để mọi người có thể nhìn thấy hoặc cảm nhận được, nghĩa là bằng một nỗ lực không ngừng tự do hoá, dân chủ hoá và nhân quyền hoá, như những điều chủ nghĩa tư bản, ở các quốc gia phát triển nhất, từng làm trong suốt thế kỷ 20.

Tuy nhiên, kể từ năm 1991, với sự tan rã của hệ thống xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu, Cộng sản, với tư cách một chế độ, hoàn toàn sụp đổ; và cùng với nó, chủ nghĩa Cộng sản, với tư cách một ý thức hệ chính trị, cũng bị phá sản theo. Trật tự này, thật ra, theo một số học giả, cũng có thể đảo ngược hẳn lại: Vì sự phá sản của ý thức hệ Cộng sản, chế độ Cộng sản, với tư cách một bộ máy chính quyền, đã sụp đổ. Nhưng dù mối quan hệ giữa nguyên nhân và kết quả có thể thay đổi, thực chất của vấn đề vẫn là một: phá sản và sụp đổ.

Về phương diện lý thuyết, hầu như ai cũng thấy chủ nghĩa Cộng sản sai. Những người thiên tả, ít nhiều lưu luyến với chủ nghĩa Cộng sản, cố vớt vát khi cho cái sai ấy không xuất phát từ Karl Marx mà từ Lenin, đặc biệt từ Stalin và Mao Trạch Đông; nghĩa là, nó không sai hẳn, nhưng một, nó không được cập nhật để theo kịp những thay đổi và tiến bộ của chủ nghĩa tư bản; và hai, nó chỉ sai trong cách ứng dụng và vận dụng lý thuyết Marx vào thực tế. Tuy nhiên, nói theo Richard Pipes, trong cuốn Communism, a History (2), chủ nghĩa Cộng sản, ngay trong tư tưởng của Karl Marx, không phải là một ý tưởng hay nhưng bị thực hiện sai mà, tự bản chất, nó là một ý tưởng dở; hay nói theo Kolakowski, do Pipes trích dẫn, chủ nghĩa Marx – nền tảng lý thuyết của chủ nghĩa Cộng sản – là một huyễn tưởng lớn nhất của thế kỷ 20 (3).

Trong vô số những cái sai của chủ nghĩa Marx-Lenin, cái sai này là đáng kể nhất: Họ cho chế độ tư hữu là cội rễ của bất bình đẳng và tin là họ có thể xóa bỏ chế độ tư hữu ấy để xây dựng một xã hội thực sự bình đẳng, không ai bóc lột ai và cũng không ai thống trị ai. Trên thực tế, khi công hữu hóa mọi tài sản và mọi phương tiện sản xuất, thứ nhất, họ triệt tiêu hầu như mọi động cơ lao động và sản xuất của người dân; thứ hai, họ tạo nên một giai cấp đặc quyền và đặc lợi để nắm toàn bộ việc lãnh đạo và quản lý các tài sản và công cụ sản xuất đã được công hữu hóa ấy. Những người ấy, một mặt, kém khả năng quản lý nên dẫn đến hết thất bại này sang thất bại khác; mặt khác, quan trọng hơn, trở thành một thành phần thống trị vừa ngu dốt vừa độc đoán, vừa tham nhũng vừa tàn bạo. Tất cả các yếu tố ấy không những dẫn đến những sự thất bại nặng nề về phương diện kinh tế mà còn phá hủy toàn bộ nền tảng lý tưởng của chủ nghĩa Cộng sản vốn nhắm đến tự do, bình đẳng và hạnh phúc.

Một cái sai khác của chủ nghĩa Marx-Lenin là họ đơn giản hóa lịch sử nhân loại vào lịch sử đấu tranh giai cấp. Sự phát triển của lịch sử, thật ra, còn tùy thuộc, thậm chí, tùy thuộc chủ yếu vào sự hợp tác của con người trong việc khám phá các quy luật của tự nhiên, từ đó, đẩy mạnh các khám phá về kỹ thuật để nâng cao mức sống và chất lượng cuộc sống của mọi người. Chủ nghĩa tư bản, trong thế kỷ 20, đã chứng minh điều đó: Giới chủ nhân biết san sẻ trách nhiệm và quyền lợi với giới công nhân, nhờ đó, so với thế kỷ 19, công nhân càng ngày càng được hưởng lương cao và càng ngày càng được hưởng chế độ lao động hợp lý hơn. Hơn nữa, chính quyền cũng can thiệp để bảo vệ quyền lợi của công nhân và, qua chính sách thuế khóa, bảo đảm sự công bằng trong xã hội. Nhiều quốc gia mang tiếng là tư bản nhưng về các chính sách lao động và an sinh xã hội lại không khác gì với cái lý tưởng xã hội chủ nghĩa mà Marx mơ ước. Chưa hết. Yếu tố then chốt trong sản xuất không phải chỉ là công cụ sản xuất mà còn có cả tri thức. Mà tri thức thì không ai độc quyền được.

Một người tị nạn, như người Việt Nam sau năm 1975, chẳng hạn, khi sang nước ngoài, với hai bàn tay trắng, không thể sở hữu các công cụ sản xuất để làm chủ nhân bất cứ thứ gì được. Nhưng bù lại, chỉ cần chịu khó học hành, sau một thời gian nhất định, người đó có thể sở hữu một vốn tri thức khá cao đủ để bước vào thế giới trung lưu, thậm chí trung lưu cao, dễ dàng. Chính trong lãnh vực tri thức, vốn gắn liền với giáo dục, xã hội tư bản đã tạo nên sự bình đẳng thực sự và tối đa: Nếu mọi người không được và không thể bình đẳng khi ra đời (vốn gắn liền với gia đình, thành phần xã hội, chủng tộc và những đặc điểm về trí tuệ riêng – những điều không ai có thể lựa chọn được), họ lại được bình đẳng trong cơ hội để phát triển và tiến bộ. Ai cũng được quyền đi học; bất cứ ai có trí và có nghị lực cũng đều đi học được, và từ đó, có thể thay đổi cuộc đời mình được. Với những đặc điểm ấy, chủ nghĩa tư bản không những thúc đẩy sự phát triển kinh tế và xã hội một cách hiệu quả mà còn tạo nên sự bình đẳng và dân chủ, tuy không hẳn đã hoàn hảo, nhưng cũng hơn hẳn chế độ xã hội chủ nghĩa đủ để mọi người, kể cả những người đang sống dưới chế độ Cộng sản, cũng nhận thấy không phải kẻ thù mà chính mình mới là những kẻ đang đứng trước vực thẳm. Sự so sánh ấy cũng làm cho người ta nhận thấy những hứa hẹn về một thiên đường Cộng sản chủ nghĩa “làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu”, chỉ là một ảo tưởng, hơn nữa, một không tưởng. Cái không tưởng ấy lại bị trả giá bằng máu. Không phải máu của một hai người. Mà là của cả một tập thể, có khi cực kỳ đông đảo. Cả hàng triệu hay chục triệu người.

Về phương diện thực tiễn, với tư cách một chế độ, chủ nghĩa Cộng sản có năm đặc điểm chính trên bình diện tổ chức. Một, đảng Cộng sản nắm độc quyền lãnh đạo; hai, đảng ấy được tổ chức một cách chặt chẽ với một thứ kỷ luật thép từ trên xuống dưới; ba, kinh tế hoàn toàn tập trung, mọi quyết định, kể cả về giá cả thị trường, đều do cấp trên quyết định; bốn, mọi phương tiện sản xuất đều nằm trong tay nhà nước; và năm, mỗi quốc gia đều liên kết và, với những mức độ khác nhau, lệ thuộc vào cái gọi là phong trào Cộng sản quốc tế nói chung. Với cách tổ chức như thế, chế độ Cộng sản vấp phải vô số sai lầm. Và những sai lầm ấy rất dễ thấy.

Thứ nhất, các chế độ Cộng sản không những không công bằng hơn các chế độ tư bản, mà thậm chí, còn tệ hại hơn cả các chế độ phong kiến ngày xưa. Xưa, chỉ có vua, nay có cả nguyên một đảng đứng trên pháp luật. Xưa, chỉ có vua là được hưởng mọi đặc quyền và đặc lợi; nay, có cả hàng triệu người nhân danh đảng thi nhau vơ vét lợi và thao túng quyền.

Thứ hai, ngoài chuyện bất bình đẳng, chế độ Cộng sản, qua hơn 70 năm tồn tại, đã chứng tỏ sự tàn bạo vô tiền khoáng hậu. Những nhà lãnh đạo Cộng sản như Lenin, Stalin, Mao Trạch Đông, Pol Pot, Fidel Castro… không phải giống vua mà là giống các bạo chúa. Vua, còn đỡ. Trong đám vua còn có các minh quân. Trong hàng ngũ lãnh đạo Cộng sản, được xây dựng quyền lực trên nguyên tắc “chuyên chính”, ngay cả những người có tiềm năng là minh quân cũng trở thành bạo chúa. Hậu quả là chế độ Cộng sản trở thành một chế độ đứng đầu trong danh sách giết người trong suốt cả thế kỷ 20. Họ giết người còn nhiều hơn cả chế độ phát xít và Nazi. Bàn tay của Stalin và Mao Trạch Đông còn nhuộm nhiều máu hơn cả bàn tay của Hitler. Trong cuốn The Black Book of Communism: Crimes, Terror, Repression do Stéphane Courtois và nhiều người khác biên tập (4), các tác giả ước tính tổng số nạn nhân bị giết chết dưới các chế độ Cộng sản trên thế giới kể từ năm 1917 đến năm 1991 là khoảng 100 triệu người, bao gồm khoảng 20 triệu ở Nga, 65 triệu ở Trung Quốc, hai triệu ở Campuchia, hai triệu ở Bắc Triều Tiên, một triệu ở Đông Âu, v.v..

Thứ ba, chế độ Cộng sản hoàn toàn thất bại về phương diện lãnh đạo và quản lý kinh tế đất nước. Không có nước Cộng sản nào giàu có và dân chúng được no ấm. Từ cuối thập niên 1960 đến đầu thập niên 1970, kinh tế của các nước Cộng sản bị lâm vào khủng hoảng trầm trọng. Đến thập niên 1980, chỉ số phát triển của nó hầu như chỉ là một con số không to tướng. Ở tất cả các nước xã hội chủ nghĩa thời ấy, rất nhiều cửa tiệm trống rỗng không có hàng hóa để bán (5). Dân chúng ngất ngư vì đói khát. Nhưng dễ thấy nhất là khi chúng ta nhìn vào các quốc gia bị chia đôi, trong đó, một nửa theo chế độ Cộng sản và một nửa theo chế độ tư bản. Như Đông Đức và Tây Đức. Hay như Nam Triều Tiên và Bắc Triều Tiên. Cái nửa theo chế độ Cộng sản bao giờ cũng có chỉ số phát triển thấp hơn hẳn cái nửa theo chế độ tư bản. Thấp một cách toàn diện. Riêng ở Triều Tiên, thu nhập tính trên đầu người ở miền Nam (32.400 đô la/người/năm) gấp 18 lần ở miền Bắc (1.800 đô la). Cùng một dân tộc. Cùng một lịch sử. Chỉ khác ở chế độ. Mà hai nơi khác nhau đến vậy.

Cuối cùng, nói theo Stéphane Courtois (6), Cộng sản phạm vô số tội ác không phải đối với con người với tư cách cá nhân mà còn đối với cả văn minh nhân loại và văn hóa quốc gia. Ở đâu, các chế độ Cộng sản cũng phá tan tành rất nhiều di tích và di sản lịch sử cũng như các nhà thờ, chùa chiền và các nơi thờ tự. Họ trấn áp các tôn giáo, xóa bỏ nhiều truyền thống tốt đẹp với lý do, theo họ, đó là những tàn tích của chế độ phong kiến.

Với những thất bại hiển nhiên về cả phương diện lý thuyết lẫn thực hành như vậy, chủ nghĩa Cộng sản đã hoàn toàn bị sụp đổ vào cuối thập niên 1980 và đầu thập niên 1990, thoạt đầu, vào năm 1989, với việc đảng Cộng sản Hungary chấp nhận một hệ thống chính trị đa đảng vào tháng 2; việc Công đoàn Đoàn kết thắng phiếu trong cuộc bầu cử Quốc hội Ba Lan vào tháng 6, sau đó, lên nắm chính quyền vào tháng 9; việc Bức tường Berlin bị sụp đổ vào tháng 11 (sau đó nước Đức được thống nhất vào tháng 10/ 1990); kết thúc bằng việc Mikhail Gorbachev tuyên bố từ bỏ chế độ độc đảng vào ngày 7/2/1990; và sau đó, sự tan rã của Liên bang Xô Viết vào tháng 12/1991 (trước, trong và sau sự tan ra ấy, có 16 quốc gia – vốn bị sáp nhập vào Liên bang Xô Viết – tuyên bố độc lập, bao gồm: Lithuania, Estonia, Latvia, Georgia, Ukraine, Belarus, Moldova, Azerbaijan, Kyrgyzstan, Uzbekistan, Tajikistan, Armenia, Turkmenistan, và Kazakhstan).

Nếu sự ra đời của chủ nghĩa Cộng sản là biến cố lớn nhất trong nửa đầu thế kỷ 20, sự tan rã của nó ở Nga và Đông Âu là một biến cố trọng đại nhất trong sau thế kỷ 20. Cả hai đều là cách mạng. Cuộc cách mạng đầu nổ ra và, sau đó, tồn tại bằng máu và nước mắt; cuộc cách mạng sau, ngược lại, diễn ra với ba đặc điểm chính: nhanh chóng, nhẹ nhàng và bất bạo động. Có vẻ như giới lãnh đạo Cộng sản (trừ ở Romania) tự ý từ bỏ quyền lực và chế độ Cộng sản tự tan rã. Không có sự kháng cự nào đáng kể cả.

Trước thập niên 1990, trên thế giới có tổng Cộng 23 quốc gia theo chế độ Cộng sản. Trong thời điểm giao thừa giữa hai thập niên 1980 và 1990, có 18 quốc gia từ bỏ Cộng sản: Afghanistan, Albania, Angola, Benin, Bulgaria, Campuchia, Congo, Czechoslovakia, Đông Đức, Ethiopia, Hungary, Mông Cổ, Mozambique, Ba Lan, Romania, Nga, Nam Yemen và Yugoslavia. Người ta gọi những nước này (trừ Đông Đức vốn không còn là một “nước” riêng sau khi thống nhất) là “hậu Cộng sản” (postcommunism), một thuật ngữ do Zbigniew Brzezinski đưa ra vào năm 1989 (7). Do một số quốc gia, sau năm 1991, bị chia cắt (chủ yếu là do vấn đề chủng tộc), hiện nay có 28 quốc gia được xem là hậu Cộng sản (8).

“Hậu Cộng sản” nghĩa là không còn Cộng sản nữa.

Có thể nói, trên bình diện thế giới, cái gọi là “Cộng sản” đã thuộc về quá khứ. Khi “Cộng sản” thuộc về quá khứ, chuyện chống Cộng cũng không còn lý do hiện hữu nữa.

Thật ra, trên thế giới cũng còn ít nhất năm quốc gia, trên danh nghĩa, chưa từ bỏ chủ nghĩa Cộng sản: Việt Nam, Trung Quốc, Lào, Bắc Triều Tiên và Cuba. Tuy nhiên, trong năm quốc gia ấy, chỉ có Bắc Triều Tiên là thực sự Cộng sản, Cộng sản theo kiểu Stalin trong thập niên 1930 và 1940. Ở tất cả bốn nước còn lại, kể cả Việt Nam, chủ nghĩa Cộng sản đang dần dần biến chất và biến thể. Nó không giống chủ nghĩa Cộng sản của Stalin và Mao Trạch Đông. Nó cũng không giống chủ nghĩa Cộng sản của Lenin. Và nó cũng không giống chút nào với cái chủ nghĩa Cộng sản mà Mark và Engels quan niệm.

Thứ nhất, về phương diện kinh tế, tất cả, với những mức độ khác nhau, đều chấp nhận kinh tế thị trường vốn là đặc trưng của chủ nghĩa tư bản. Dĩ nhiên, cái gọi là “kinh tế thị trường” ở đây vẫn còn bị giới hạn bởi cái đuôi phía sau “theo định hướng xã hội chủ nghĩa”. Nhưng cái đuôi ấy chỉ là một cố gắng níu kéo nắm giữ quyền lợi cho một số người thuộc tầng lớp thống trị qua các đại công ty và tập đoàn quốc doanh. Trên thực tế, hầu hết các hoạt động và sự điều hướng kinh tế vẫn theo quy luật thị trường, nghĩa là tư bản hóa.

Thứ hai, về phương diện chính trị, tất cả vẫn cố thủ, trên danh nghĩa, trong cái gọi là chủ nghĩa Cộng sản. Nhưng ở đây cũng lại có vấn đề. Cái gọi là chính trị Cộng sản chủ nghĩa vốn bao gồm hai khía cạnh: một, về tổ chức, sự độc quyền lãnh đạo của đảng Cộng sản; và hai, về phương diện ý thức hệ, lý thuyết của Marx và Lenin. Ở tất cả bốn quốc gia kể trên, Cộng sản chỉ nằm ở bình diện tổ chức, còn ở bình diện ý thức hệ, hầu như không ai còn tin, thậm chí, không mấy người muốn nhắc đến ý thức hệ Cộng sản nữa. Ngay ở Việt Nam, giới lãnh đạo cũng thừa hiểu chủ nghĩa Marx-Lenin không còn sức thuyết phục và sự quyến rũ nữa. Họ phải thêm vào mấy chữ “tư tưởng Hồ Chí Minh”. Tuy nhiên, cho đến nay, họ cũng không biết cái gọi là “tư tưởng Hồ Chí Minh” ấy thực sự là gì. Lý do là Hồ Chí Minh vốn là người thực hành, không viết về lý thuyết, và thật ra thì cũng chẳng có lý thuyết gì ngoài một mớ giáo điều đơn giản và cũ kỹ ông học được ở Nga và Trung Quốc. Những kẻ đang nắm quyền tại Việt Nam sử dụng cái gọi là “tư tưởng Hồ Chí Minh” như một huyền thoại chứ không như một chủ thuyết.

Theo chủ nghĩa Marx-Lenin, một hình thái chính trị đúng nghĩa phải tương ứng với, thứ nhất, một hình thái kinh tế nhất định; và thứ hai, một ý thức hệ nhất định. Nền chính trị Việt Nam hiện nay, trên danh nghĩa, vẫn là Cộng sản, nhưng kinh tế lại là tư bản hoặc ít nhất, nửa-tư bản hoặc đang trong quá trình tư bản hóa; còn ý thức hệ thì hoàn toàn trống rỗng: Nó phi-Marx và cũng phi-Lenin. Chẳng giống ai và cũng chẳng là cái gì cả. Đó là một thứ tôn giáo vừa không có thần linh vừa không có điển phạm (canon). Tên nó, ở Việt Nam, nhiều người gọi thẳng: mafia.

Bởi vậy, trong trường hợp của Việt Nam hiện nay, nếu chúng ta nói đến chuyện chống Cộng có lẽ ngay cả những người đang mang danh hiệu đảng viên Cộng sản trong nước – hầu hết đều rất giàu có và sống rất trưởng giả – sẽ cười khì, hỏi: “Cộng nào vậy nhỉ?” Lôi tư tưởng Marx, Engels và Lenin ra phê phán, phần lớn họ – những người chẳng bao giờ thực sự đọc Marx, Engels và Lenin – hẳn sẽ trố mắt lên hỏi: “Mấy người đó là ai vậy? Có phải mấy ông râu ria xồm xoàm gì đó không?” Nói đến đấu tranh giai cấp, đến tầng lớp công nhân và nông dân, đến chuyên chính vô sản, đến công bằng xã hội và đến lý tưởng làm theo năng lực hưởng theo nhu cầu, những vấn đề nòng cốt của ý thức hệ Cộng sản, họ – những người đang sống như giới thượng lưu và thường được gọi là “tư bản đỏ” – hẳn sẽ bịt tai lại, như nghe những chuyện cổ tích vừa xa vời vừa nhảm nhí.

Trong trường hợp ấy, chống Cộng là chống ai và chống cái gì?

Đối với riêng tôi, khi phê phán chính quyền trong nước, tôi không nghĩ là tôi chống Cộng. TÔI CHỈ CHỐNG LẠI ĐỘC TÀI.

Chế độ Việt Nam hiện nay đáng bị phê phán không phải vì nó là Cộng sản. Mà vì nó là độc tài. Cộng sản chỉ là nhãn hiệu. Độc tài mới là thực chất. Ngay cả khi chúng ta chống lại điều 4 trong Hiến pháp Việt Nam, chúng ta cũng chỉ chống lại một sự độc tài. Chính quyền Việt Nam hiện nay đang rục rịch muốn đổi tên nước. Có khi họ đổi cả tên đảng. Nhưng dù đổi đảng Cộng sản thành đảng Dân chủ hay đảng Cộng hoà, cái việc nhân danh Hiến pháp để giành quyền lãnh đạo độc tôn như vậy cũng vẫn là độc tài. Tên gọi có thể thay đổi, thực chất vẫn là một. Vẫn độc tài.

Mọi sự độc tài đều đáng phê phán. Nhưng khi độc tài đi liền với bất tài thì càng đáng bị phê phán hơn. Và nhu cầu phê phán ấy cũng càng khẩn cấp hơn. Sự độc tài chà đạp lên dân chủ và nhân quyền, nhưng trong một số trường hợp nào đó, dưới một sự độc tài sáng suốt, người ta cũng có thể sẵn sàng chấp nhận hy sinh dân chủ và nhân quyền trong một thời gian nào đó để xây dựng và phát triển đất nước (như trường hợp của Singapore). Độc tài mà bất tài thì bao giờ cũng gắn liền với sự ngu dốt và tham nhũng bởi họ sẽ không có, không thể có, bất cứ lý tưởng nào khác ngoài tiền và cũng không có một thứ trí tuệ nào khác nào thứ “trí tuệ” dùng để làm giàu cho bản thân và gia đình. Sự ngu dốt trong chính sách và tham nhũng trong bộ máy chỉ tồn tại được nhờ hai yếu tố: dối trá trong tuyên truyền và tàn bạo trong quản trị. Tập hợp của tất cả các yếu tố ấy, người ta chỉ làm được mỗi một việc duy nhất là tàn phá đất nước và hành hạ dân chúng. Tính chất độc tài, bất tài, tham nhũng, dối trá và tàn bạo ấy càng trở thành nguy hiểm hơn nữa khi đất nước đối diện với nguy cơ xâm lấn chủ quyền và lãnh thổ của Trung Quốc.

Đối diện với các nguy cơ trên, chữ “chống Cộng”, theo tôi, rất dễ làm lệch vấn đề. Nó dễ gợi lên ấn tượng là, khi chống lại chế độ Việt Nam hiện nay, chúng ta nhân danh hai điều vốn bị xem là đối lập với Cộng sản, nhất là Cộng sản Việt Nam: Một, chủ nghĩa tư bản và hai, Việt Nam Cộng Hoà lúc trước. Nhưng chúng ta chống Cộng không phải vì chủ nghĩa tư bản và cũng không phải vì để trả thù hay để phục hồi miền Nam. Việc chống lại chế độ độc tài tại Việt Nam cần xuất phát từ những lý tưởng hiện đại, cao cả và phổ quát hơn: quyền tự do, dân chủ và quyền làm người. Hơn nữa, nó còn xuất phát từ cả sự độc lập, toàn vẹn lãnh thổ và tiền đồ của đất nước nữa. Trong chiến tranh có tính dân tộc chủ nghĩa, người ta có thể huy động lịch sử, hay nói như Tố Hữu, trước năm 1975, “Bốn mươi thế kỷ cùng ra trận”; trong cuộc chiến chống độc tài, nguồn sức mạnh không phải chỉ nằm ở quá khứ mà còn, nếu không muốn nói chủ yếu còn, nằm ở tương lai.

Chúng ta chống lại chế độ Việt Nam hiện nay không phải vì việc họ chọn lựa hệ thống xã hội chủ nghĩa, việc họ gây ra cuộc chiến đẫm máu ở Việt Nam, việc họ cưỡng chiếm miền Nam, việc họ trả thù những người miền Nam: Tất cả đều đã thuộc quá khứ.

Người ta cần lưu giữ quá khứ, cần thường xuyên đào xới lại quá khứ và cần viết lại quá khứ, một cách chính thức, bằng lịch sử; hoặc một cách không chính thức, bằng ký ức, từ ký ức cá nhân đến ký ức tập thể. Nhưng không ai thay đổi được quá khứ. Càng không cần phải chống lại quá khứ. Những điều ấy khác nhau.

Chúng ta chống lại chế độ độc tài tại Việt Nam vì nó ĐANG chà đạp lên quần chúng, ĐANG làm cho đất nước bị phá sản trên mọi phương diện, từ kinh tế đến giáo dục, từ ý thức đạo đức đến cả lòng tự hào dân tộc, từ các giá trị truyền thống đến tinh thần hiện đại với những giá trị về dân chủ và nhân quyền vốn đang, cùng với xu hướng toàn cầu hoá, càng ngày càng trở thành phổ quát, ĐANG kiềm hãm sự phát triển của đất nước khiến Việt Nam, một dân tộc vốn rất nhiều năng lực, bị thua kém không những các nước được xem là những con rồng của châu Á mà còn có nguy cơ thua cả một quốc gia vốn bị rất nhiều tai tiếng, như Miến Điện.

Và chúng ta cũng chống lại chế độ ấy vì, với sự nhu nhược của nó, Việt Nam có nguy cơ bị biến thành một tỉnh lẻ của Trung Quốc.

Cuối cùng, có một điểm cần được nói thêm: Ở Tây phương, ngay trong thời Chiến tranh lạnh, nghĩa là lúc chế độ Cộng sản vẫn còn rất mạnh, nhiều chiến lược gia và trí thức, đặc biệt ở châu Âu, đã chuyển khẩu hiệu “chống Cộng” (anti-communism) thành “chống toàn trị” (anti-totalitarianism). Dưới khẩu hiệu chống toàn trị, người ta không những chống lại chế độ Cộng sản mà còn chống lại cả chế độ phát xít, đồng thời người ta cũng khẳng định được lập trường của họ một cách rõ ràng: Việc chống đối ấy, thứ nhất, không nhắm vào một lý thuyết mà nhắm vào một chế độ với những guồng máy và chính sách cụ thể; và thứ hai, không nhằm bảo vệ hay bênh vực cho chủ nghĩa tư bản mà là để bảo vệ dân chủ và nhân quyền, những lý tưởng vừa có tính phổ quát vừa dễ được mọi người đồng thuận.

Cả tính phổ quát và sự đồng thuận ấy tạo nên sức mạnh cho cuộc tranh đấu, cuối cùng, dẫn đến sự sụp đổ của hệ thống xã hội chủ nghĩa như một hệ thống độc tài đáng kinh tởm (9).

Nguyễn Hưng Quốc

Nguồn: VoA blog

* * *

Chú thích:

  1. Trên một số bản kiến nghị lưu hành trên internet, tôi thấy có tên “Nguyễn Hưng Quốc” ở Úc. Đó không phải là tôi. Có thể chỉ là trùng tên hoặc là một sự giả mạo. Bản thân tôi thì chưa từng ký vào bất cứ một kiến nghị nào cả.
  2. Richard Pipes (2003), Communism, a History, New York: Random House, tr. 147.
  3. Như trên.
  4. Do Jonathan Murphy và Mark Kramer dịch sang tiếng Anh, Harvard University Press, 1999.
  5. Xem Stathis N. Kalyvas (1999), “The decay and breakdown of communist one-party systems”, Annu, 1999, tr. 329.
  6. Stéphane Courtois và nhiều người khác (biên tập) (1999), The Black Book of Communism: Crimes, Terror, Repression, Cambridge: Havcard University Press, tr. 7.
  7. Leslie Holmes (1997), Post-Communism, an Introduction, Cambridge: Polity Press, tr. 13.
  8. Ghia Nodia (2000), “Chasing the meaning of ‘post-communsm’: a transitional phenomenon or something to stay?”, Contemporary European History, 9 (2000), tr. 278.
  9. Xem bài “From anti-communism to anti-totalitarianism: the radical potential of democray” của Dick Howard trên Government and Opposition số 37, 2002, tr. 551-572.

Có nhiều điều đáng giá trong quyển “Cuộc chiến của Hà Nội”

In Chính trị (Politics), Lịch Sử, Thế giới, Việt Nam on 2013/04/18 at 22:36

“chiến thắng của Hà Nội không phải vì kiên trì và ngoan cường, không phải vì họ chinh phục được con tim và trí óc người dân miền Nam, không phải do những hy sinh to lớn của quân đội và nhân dân miền Bắc Việt Nam, và cũng không phải vì nội tình chính trị nước Mỹ trói tay và làm suy yếu các nỗ lực của Mỹ, nhất là dưới thời Nixon. Chiến thắng của Hà Nội chính là do sức ép không khoan nhượng và không thể cưỡng lại của khối quốc gia hậu thuộc địa, các quốc gia thế giới thứ ba, và nhiều quốc gia phản chiến cũng mong muốn dạy cho Mỹ một bài học và đã bị dẫn dắt bởi tuyên truyền và ngoại giao khôn ngoan của Hà Nội”

Richard Coffman

Phòng Thủ Tốt Nhất – Văn phòng về chiến tranh Việt Nam

Cuộc chiến của Hà Nội là một cuốn sách quan trọng dựa vào các hồ sơ lưu trữ bí mật của chính phủ và Đảng Cộng sản Việt Nam. Cuốn sách này biên niên về cách Hà Nội lên kế hoạch và tiến hành chiến tranh ở Việt Nam sau khi Pháp thua trận và rút khỏi Đông Dương năm 1954.

Hơn thế nữa, cuốn sách làm nổi rõ các bất đồng nghiêm trọng ở cấp cao nhất tại Hà Nội về ưu tiên, chiến lược, và các nguồn lực bên cạnh những thứ khác đã làm hỏng sự chuẩn bị cho cuộc Tổng tấn công Tết Mậu Thân năm 1968 và dẫn đến vụ bắt giữ và thanh trừng. Nếu Washington và Sài Gòn có một bức tranh rõ ràng hơn về điều này lúc đó thì cuộc chiến chắc chắn sẽ được tiến hành khác đi và kết quả cũng có thể là thuận lợi hơn. Có thể công bằng để nói rằng chúng ta chẳng biết nhiều về lãnh đạo của Hà Nội lúc đó như chúng ta biết gì về lãnh đạo Bắc Triều Tiên ngày hôm nay.

Như vậy, cuốn sách này cho thấy chiến dịch ném bom của Mỹ ở Bắc Việt Nam và các cuộc hành quân đường bộ vào các chiến khu, cơ sở cộng sản ở Campuchia và Lào đã gây thiệt hại khá nặng vào nỗ lực chiến tranh của Hà Nội. Nó tiếp tục cho thấy sự thất bại hoàn toàn và chi phí khổng lồ của những cuộc tấn công lớn của Hà Nội trong năm 1968, 1969, và năm 1972 đã buộc miền Bắc phụ thuộc nhiều hơn vào Liên Xô và Trung Quốc và cuối cùng là tham gia vào các cuộc đàm phán để cho lực lượng Mỹ rút quân.

Tác giả, Nguyễn T. Liên-Hằng, là người Hoa Kỳ gốc Việt Nam và là giáo sư tại Đại học Kentucky, được tiếp cận với vô số tài liệu lưu trữ chính thức bằng tiếng Việt, nhiều cá nhân, và bản thảo chưa được công bố. Trong số nhiều người, cô phỏng vấn ông Hoàng Minh Chính, lý thuyết gia cộng sản hàng đầu một thời của Bắc Việt Nam và cũng là nhà bất đồng chính kiến ​​bị thanh trừng. Cô đã truy cập cuốn hồi ký chưa được công bố của người vợ cả Bí thư đảng cộng sản Lê Duẩn, người đã hoạt động công tác ở đồng bằng sông Cửu Long trong nhiều năm

Cô Liên-Hằng không những chỉ khai phá lối đi mới nhưng sắp xếp tổ chức tốt, lập luận rõ ràng, cũng như xử lý trình tự thời gian các văn bản của cuộc chiến tranh Việt Nam và đường hướng của Hà Nội. Độc giả sẽ biết ơn khả năng viết và tổ chức của tác giả trong rừng các tài liệu cơ bản dày đặc này, và nhất là cô ấy đã tuyên bố rõ ràng rằng các tài liệu lưu trữ cô xem xét đã bị tẩy rửa và chắc chắn là không đầy đủ.

Đối với học sinh nghiên cứu về ý thức hệ cộng sản và chiến thuật, Cuộc chiến của Hà Nội mô tả sự thăng tiến đến đỉnh cao quyền lực của nhà lãnh đạo cộng sản Lê Duẩn và người thân tín là ông Lê Đức Thọ, và sự tụt thoái quyền lực ra bên lề của Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Thật vậy, hai anh hùng nổi tiếng thế giới với cuộc cách mạng cộng sản Việt Nam mà ai cũng tưởng rằng có quyền lực vô biên ở Hà Nội lại bị cho ra rìa trong cuộc Tổng tấn công Tết Mậu Thân. Ông Giáp thì căm tức, cay cú ở Hungary còn ông Hồ thì ngồi chơi xơi nước tại Bắc Kinh.

Chúng ta được biết thêm rằng mặc dù Lê Duẩn liên tục thất bại cả về chiến lược và chiến thuật trong chiến tranh ở miền Nam, thiệt hại nặng nề nhân lực và phá nát gần như hoàn toàn nền kinh tế miền Bắc, ông vẫn nắm giữ quyền lực nhờ đàn áp dã man và không ngừng. Ngay cả trước khi Hà Nội Hilton nổi tiếng vì giam cầm phi công Mỹ,  nhà tù này chứa hàng chục đối thủ chính trị và bất đồng quan điểm ​​với Lê Duẩn, dù là thực sự hay tưởng tượng. Cuộc thanh trừng triệt hạ các sĩ quan quân đội cấp cao thân cận với Giáp và ngay cả một số người giúp kế hoạch cuộc Tổng tấn công.

Những điều trên và một số điểm khác tiếp theo trong cuốn sách này phải làm giới tình báo phương Tây, các quan sát viên ngoại giao, nhà báo, nhà sử học, các viện nghiên cứu, và phe cánh tả quốc tế nhún nhường, khiêm tốn hơn vì những người này có quá nhiều đánh giá sai lầm về Bắc Việt Nam lúc đó và những nhận định và giải thích sai lầm ấy vẫn tồn tại cho đến ngày nay.

Thật rõ ràng đây không phải là lịch sử xét lại. Phụ đề của cuốn sách tiết lộ cho chúng ta thấy chút đầu mối về thiên hướng của tác giả: “Lịch sử quốc tế về chiến tranh vì hòa bình ở Việt Nam.”

Tác giả vẫn kiên định để mô tả cuộc chiến tranh Việt Nam là “không thể thắng được” đối với Hoa Kỳ. Điều này chắc chắn phải là một tin nóng tới tai các sử gia đương đại nổi tiếng như Lewis Sorley và Mark Moyar, mà gần đây các nghiên cứu của họ dù không có tư liệu gốc về các lủng củng của Hà Nội, đã khẳng định rằng kết cuộc ở Việt Nam chưa hẳn đã phải là như vậy. Thêm vào đó, cô ấy có một ác cảm mãnh liệt đối với Richard Nixon và Henry Kissinger, ngay cả khi mô tả rất tinh tường và chi tiết cách họ cùng lúc ảnh hưởng cả Moscow và Bắc Kinh ép Hà Nội – và chống lại bản năng sâu bén của ông Lê Duẩn – để có được những thỏa thuận tốt nhất hầu tách Hoa Kỳ ra khỏi Việt Nam.

Thật vậy, Lê Duẩn chuộng những cuộc tấn công lớn để khích động cuộc tổng nổi dậy quần chúng ở miền Nam nên ông đã gửi Lê Đức Thọ, cánh tay phải của mình, đến Paris nhằm giữ kín các cuộc đàm phán. Điều này rập khuôn mẫu của Lê Duẩn luôn chỉ định các tướng đáng tin cậy để chỉ huy những người cộng sản miền Nam cứng đầu luôn tin rằng cuộc cách mạng của họ đã bị phản bội bởi Hiệp định Genève năm 1954. Thật là mỉa mai – hay ngoan cố – để xem rằng Lê Đức Thọ đã giành giải Nobel Hòa bình vì thành tích của ông ta ở Paris.

Cuối cùng, cô cho rằng chiến thắng của Hà Nội không phải vì kiên trì và ngoan cường, không phải vì chinh phục con tim và lý trí người dân miền Nam, không phải do những hy sinh to lớn của quân đội và nhân dân miền Bắc Việt Nam, và cũng không phải vì nội tình chính trị nước Mỹ trói tay và làm suy yếu các nỗ lực của Mỹ, nhất là dưới thời Nixon. Chiến thắng của Hà Nội chính là do sức ép không khoan nhượng và không thể cưỡng lại của khối quốc gia hậu thuộc địa, các quốc gia thế giới thứ ba, và nhiều quốc gia phản chiến cũng mong muốn dạy cho Mỹ một bài học và đã bị dẫn dắt bởi tuyên truyền và ngoại giao khôn ngoan của Hà Nội. Đấy có lẽ là di sản lớn nhất của cuộc chiến của Hà Nội và là khuôn mẫu cho những ai đang dự định các chiến dịch cách mạng trong tương lai chống lại quyền lực phương Tây.

Kết luận bay bổng trên chỉ hơi làm giảm đi những gì có thể được xem như là một đóng góp quan trọng và độc đáo cho sự hiểu biết của chúng ta về những gì chúng ta phải đối mặt tại Việt Nam. Sinh viên ngành lịch sử quân sự, chiến tranh Việt Nam, và chủ nghĩa cộng sản cách mạng có nhiều thứ để trông mong từ những tài liệu lưu trữ được khai thác đầy đủ hơn trong những năm tới.

Richard Coffman từng là sĩ quan Thủy Quân Lục Chiến tại Chu Lai và Đà Nẵng, thời Việt Nam Cộng Hòa năm 1965-1966. Sau đó ông phục vụ ở cơ quan CIA trong 31 năm, chuyên phân tích về các lãnh đạo Bắc Việt từ năm 1967 đến năm 1972.

Nguồn: Foreign Policy (Tạp chí Chính Sách Ngoại Giao)

Bài liên hệ: Đập tan các huyền thoại về Việt Nam

Phó thường dân (7): (Vô) Hậu

In Chính trị (Politics), Liên Kết, Tạp văn, Thế giới, Việt Nam on 2011/02/22 at 00:38

Vietsoul:21

Việt Nam là một trong những quốc gia hậu-thuộc-địa và đã có một số phận không may mắn lãnh nhận “nghĩa vụ quốc tế” làm “tiền đồn chủ nghĩa cộng sản” và con bài domino “ngăn chặn làn sóng đỏ”. Hậu quả là huynh đệ tương tàn, thằng sứt trán, đứa bể đầu. Rồi thì “giải phóng” thống nhất một nhà nhưng độc lập chủ quyền thì chẳng thấy và nào biết dân chủ, tự do. Cái chủ nghĩa (giáo) mác (lưỡi) lê đã chặt đứt đầu mầm móng dân chủ và đâm thủng lòng ước vọng tự do của toàn dân.

[tiếp theo kỳ trước: (1) Anh tám hồ hởi – (2) Nôị-thực-dân – (3) Sợ – (4) Kỳ đà – cắc ké – kỳ nhông – (5) Con dân – con cá – cò mồi – (6) Bình vôi – bái vật – bà đồng]

Vượt thoát

Vượt thoát (nguồn: dân làm báo)

Tết nguyên đán vừa qua, ngoài những rộn ràng ba ngày Tết thì phó thường dân tôi cũng hứng khởi theo dõi các diễn biến ở Tunisia, Ai-cập, Yemen, Algeria, Libya, Iran, và Bahrain hơn ba tuần qua. Cuối cùng thì sức mạnh của người dân đã thắng thế vượt lên trên cái chai lì của chế độ độc tài trên 30 năm cầm quyền của Mubarak. Toàn dân Ai-cập đã thực hiện giấc mơ lật đổ được một chế độ độc tài. Họ hy vọng tràn đầy với ý thức công dân và thực thi quyền đó trong một số cơ chế xã hội dân sự hiện hữu mong đất nước mình tiến đến một thể chế tự do dân chủ thực sự. Phong trào dân quyền giải (nội) thực (dân) khởi phát tại Tunisia đã bùng nổ và đang lan dần đến các quốc gia láng giềng xa gần.

Hậu-thuộc-địa (post-colonialism)

Các quốc gia nói trên hầu hết cùng chia sẻ chung một đặc thù lịch sử: hậu-thuộc-địa. Phong trào giải thực thập niên 50, 60 của thế kỷ 20 đã giúp cho người dân các nước này thoát khỏi xiềng xích nô lệ thực dân Pháp, Anh, Đức, Bỉ, Tây-ban-nha, và Hoa-kỳ. Dẫu thế, địa chính trị (geopolitics) đã đưa đẩy đa số các quốc gia này hoặc về phe Cộng sản hoặc vào phía Tư bản. Chỉ một số ít quốc gia khéo léo, lèo lái giữ vững được vị thế của mình không để bị lôi cuốn vào vòng đối lập này.

Sau khi giành được độc lập từ thực dân, các quốc gia hậu-thuộc-địa đã cùng nhau hội họp với tiên đề xây dựng đất nước để hậu thuẫn lẫn nhau. Hội nghị Á-Phi năm 1955 (Bandung Conference in Indonesia) khởi xướng phong trào các quốc gia không liên kết (Non-Aligned Movement, NAM). Phong trào này thành hình năm 1961 nhằm giúp các nước mới có độc lập kháng cự lại ảnh hưởng của hai khối quyền lực chính trị Tư bản và Cộng sản. Tuy nhiên, ý thức hệ chính trị và điều kiện xã hội của các quốc gia nằm trong phong trào không liên kết quá đa dạng và khác biệt nên không tạo được đoàn kết. Phong trào này rốt cuộc không đạt được kết quả như vạch ra trong chính sách và đề cương.[1]

Việt Nam là một trong những quốc gia hậu-thuộc-địa và đã có một số phận không may mắn lãnh nhận “nghĩa vụ quốc tế” làm “tiền đồn chủ nghĩa cộng sản” và con bài domino “ngăn chặn làn sóng đỏ”.  Hậu quả là huynh đệ tương tàn, thằng sứt trán, đứa bể đầu. Rồi thì “giải phóng” thống nhất một nhà nhưng độc lập chủ quyền thì chẳng thấy và nào biết dân chủ, tự do. Cái chủ nghĩa (giáo) mác (lưỡi) lê đã chặt đứt đầu mầm móng dân chủ và đâm thủng lòng ước vọng tự do của toàn dân.

Mầm dân chủ trong thời hậu-thuộc-địa bị chặt móng ngay lập tức khi giới trí thức lên tiếng đòi tự do ngôn luận, độc lập báo chí qua phong trào Nhân Văn – Giai Phẩm. Họ bị ngược đãi, phỉ báng, trù dập, cô lập cho đến chết. Phan Khôi khi mất chỉ có một người cô và người cháu đưa tang, mộ bị mất không kiếm được. Triết gia Trần đức Thảo thì chết một mình trong căn nhà xập xệ và hài cốt để ở dưới gầm cầu thang. Nguyễn Hữu Đang lúc gần chết thì sợ không có chỗ chôn. Nhà thơ Hữu Loan phải về quê Thanh Hóa thồ đá để không phải chung đụng với phường bất nhân. Luật sư Nguyễn Mạnh Tường thì đành làm “kẻ bị mất phép thông công”[2]. Một thế hệ tinh hoa dân tộc bị vùi vào tro bùn quên lãng.

Lòng ước vọng tự do của toàn dân thì bị (đâm) thủng ruột trong cái đói và bần hàn. Đói với tem phiếu trong xã hội chủ nghĩa–với “xếp hàng cả ngày” rồi “xuống hố cả nước”. Cùng cực vì đã làm “tiền đồn XHCN” nên khi Cu-ba ngủ thì Việt Nam thức (trắng mắt). Đói với hợp tác xã “gõ kẻng” đi làm trên những hoang tưởng không tự vẽ vời của “cánh đồng năm tấn” để bị thu thóc như “Cái đêm hôm ấy… đêm gì!”.[3] Đói, đói, và đói.  Đói như thế thì làm gì có ước vọng tự do mà chỉ mơ cơm trắng[4].

Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, một nhà nước “chuyên chính vô sản” búa liềm đã siết chặt gọng cùm trên cổ người dân từ khi thành lập nằm 1946 cho đến khi cả nước sắp bị chết đói cuối thập niên 80 thì “đổi mới”. Chuyển tiếp đến là cuộc tiếm quyền của tập đoàn tội phạm Bộ chính trị Đảng CSVN—một thể chế độc tài, độc tôn, tự bầu bán, tự tung, tự tác, thao túng, tham nhũng và áp đặt quyền lực của bè đảng trong mọi lãnh vực. Người dân không có một tiếng nói, không có mảy may quyền công dân nào cả. Mọi người dân trở thành tù nhân dự bị, sẳn sàng bị bỏ tù bất cứ khi nào thực hiện quyền công dân của họ.

Tập đoàn quyền lực này thay ngôi đổi vị với thực dân ngoại xâm để trở thành nội-thực-dân. Chúng vẫn tham tàn không kém mà còn áp bức dã man hơn vì chúng đã học chuyên được phương sách, thủ đoạn cả Đông lẫn Tây để áp dụng cai trị dân. Chúng dùng cùm, dùng còng, dùng hơi cay, dùng chó nghiệp vụ, dùng báo chí (chó nghiệp vụ thời thượng), dùng loa phát thanh, truyền hình, dùng cả bao cao su (thời trước thì trùm bao bố cho mò tôm), dùng thủ anh và thủ nhang (bình vôi – bái vật – bà đồng) hội văn vẻ tuyên (huấn) sớ tế sống. Chúng điều kiện hoá và nô lệ hóa nhân dân với cái “sợ” qua thủ tục hành (là) chính “đầu tiên” (tiền đâu?). Vì hằng hà sa số “chuyện thường ngày ở huyện”[5] như thế nên xã hội đã biến thái trở thành vô cảm khi ngày một ngày hai phải ra vào sống với “lũ” (người ngợm) và “sống trong sợ hãi”.  Một xã hội không biết mình tụt hậu trong khi các quốc gia khác đã chọn đường đoạn tuyệt với chế độ cộng sản.

Hậu-cộng sản (post-communism)

Đã hơn 30 năm từ khi cuộc cách mạng nhung của phong trào đoàn kết công đoàn Ba-lan đứng lên phất ngọn cờ tiên phong giải phóng đất nước. Chế độ cộng sản tại Đông Âu và cả thành trì Liên Bang Sô Viết sau đó cũng đã nối nhau sụp đổ, tan rã. Các quốc gia này bước vào thời kỳ hậu-cộng-sản xây dựng đất nước theo mô hình dân chủ tự do. Con đường này tuy không phải thẳng băng, và có gập ghềnh nhưng vẫn định hướng về một chân trời mới.

Không ít các nước hậu-thuộc-địa Á-Phi thử nghiệm với chủ nghĩa xã hội nhưng họ không ngu dại ôm lấy cái chuyên chính vô sản kiểu Mao, Lenin, Stalin, Pol Pot, Kim, và Hồ. Rồi dần dần họ cũng vất bỏ nó không thương tiếc. Chỉ còn sót lại vài tên cai thầu nô lệ mới trung thành với chủ (thuyết) để nô dịch hoá đồng bào chúng.

Như có đề cập ở trên, hội nghị Á-Phi Bandung đã đơm hoa cho Phong trào không liên kết của các nước hậu-thuộc-địa vào năm 1955. Nhưng mãi đến hơn năm mươi năm sau, khi thiên niên kỷ mới lật những trang đầu thì thế giới mới chứng kiến một phong trào giải nội-thực-dân của nhân dân Phi châu vùng dậy chống áp bức lật đổ những nhà độc tài và thể chế toàn trị.

Cũng thế mới đây, phong trào cách mạng hoa lài từ Tunisia sang Egypt lan đến Lybia và Bahrain là phong trào liên kết của những người cùng khổ. Họ liên kết với nhau trong một không gian mạng, không biên giới, không đảng phái, không ý thức hệ, và không phân biệt giai cấp.

Mục tiêu của các cuộc cách mạng nhân dân này là đòi hỏi quyền công dân, được sống trong một xã hội tự do dân chủ. Họ đã vượt qua rào cản tâm lý sợ hãi mà các chính quyền nô dịch này áp đặt trong đầu họ trên mấy chục năm. Ông Hosam Khalaf, một kỹ sư 50 tuổi nói dân Ai-cập đã nhận được thông điệp từ Tunisia là “Đừng tự thiêu mà hãy thiêu đốt nỗi lo sợ trong lòng bạn. Đó là những gì đã xảy ra ở đây. Đây là một xã hội từng sống trong sợ hãi, và nỗi sợ hãi đã bị thiêu đốt ra tro tàn.[6]

Một thiếu nữ khác nói “Đây là cuộc cách mạng cho ông của tôi. Họ đã nhẫn nhục bao nhiêu năm dưới chế độ độc tài này.” Anh Ghonim phát biểu “… Chúng tôi không phải là người phản quốc, chúng tôi yêu đất nước Ai-cập này. …Đây không phải là lúc chia chác nữa.  Tôi nghĩ là các nhà chính khách biết tôi nói điều gì…”. Anh còn nói thêm, “Ngay sau khi tôi ra khỏi tù, tôi đã viết một mẩu tin rằng chúng tôi sẽ thắng, bởi vì chúng tôi không hiểu chính trị, bởi vì chúng tôi không hiểu những trò chơi bẩn thỉu của họ. Chúng tôi sẽ dành chiến thắng bởi vì những giọt nước mắt của chúng tôi xuất phát từ trái tim. Chúng tôi sẽ dành chiến thắng bởi vì chúng tôi có một giấc mơ. Chúng tôi sẽ dành chiến thắng bởi vì chúng tôi tin rằng nếu có ai đó ngăn chặn giấc mơ của chúng tôi, chúng tôi sẵn sàng chết để bảo vệ nó”.[7]

Ngọn lửa cách mạng nhân dân (kiểu 2.0) đang lan truyền đến các quốc gia láng giềng xa gần từ Phi đến Á. Những “con dân” Tunisia và Ai-cập đang giành lấy lại quyền công dân của họ để được sống trong xã hội dân chủ, tự do.

Từ cuộc cách mạng đó, họ đã dạy cho tất cả chúng ta 4 bài học sau: (1) Ý chí của nhân dân. Trước hết và trên cùng đó là: nhà nước và chính phủ hiện hữu từ nhân dân mà ra chứ không phải ngược lại (như ngụy biện loại đảng trên cả tổ quốc và đảng là tổ quốc); (2) Chìa khóa để chiến thắng luôn luôn nằm trong tay của người dân – không phải lệ thuộc vào một ngoại bang (Hoa-kỳ hay bất cứ thế lực nào); (3) Tự do không phải dễ định nghĩa (và thường hay bị bóp méo như “tự do đi theo lề phải”) nhưng bạn biết ngay khi bạn có tự do hay không; (4) Tiếng nói vang dội nhất là tiếng của luân lý. Mọi phương tiện không thể biện minh cho cứu cánh – thực ra phương tiện giúp xác định cái cứu cánh và kết cuộc. Thử hỏi điều gì sẽ xảy ra nếu người Ai Cập, thay vì tuân thủ kỷ luật biểu tình phản kháng trong ôn hòa, lại dùng bạo lực khủng bố chống trả các quân lính và kẻ ủng hộ nhà độc tài để đạt được một kết thúc chính trị?[8]

Việt Nam trong thời “kinh tế thị trường” “định hướng xã hội chủ nghĩa” có khác gì chăng?

Mầm mống dân chủ vừa mới nhú lên và lòng khát vọng tự do mong được giọt hồi sinh thì đã bị yểu mệnh khai tử với đôi còng số 8 trong cái gọi là “tuyên truyền chống nhà nước” (điều 88, Bộ luật Hình sự) và “âm mưu lật đổ chế độ” (điều 79, BLHS). Một số trí thức tranh đấu cho dân chủ tự do lần lượt bị bắt giữ giam cầm trong tù đày không biết ngày về (hết hạn tù này bị treo hạn khác).

Trong nhà tù lớn, những đói khát về vật chất qua bao năm “tem phiếu” thời bao cấp, hợp tác xã, ngăn sông cấm chợ nay bùng nổ chuyển sang thèm muốn những chú dế, con xế (siêu dế, xế hộp, siêu xế, xế khủng) để lắc để quậy. Song song đó là một nền giáo dục xơ cứng trong giáo điều “hồng” chuyên chính vô sản, vô gia đình để phục vụ đảng. Những lý tưởng phục vụ nhân sinh, dân sinh đã gần như bị tuyệt giống, lạc giọng trong xã hội vật chất xô bồ của thời kỳ “đồ đểu”. Cũng cùng lúc, bè nhóm tập đoàn cầm quyền đảng CSVN như con ma đói không ngừng lam nham, lũng lạm ngân quỹ, khai thác cạn kiệt tài nguyên, hủy diệt môi trường, vơ vét cho riêng chúng.

Có hy vọng gì cho tương lai đất nước Việt Nam?

Phó thường dân tôi có quen một người anh xứ Quảng luôn khắc khoải về tương lai vận mệnh của đất nước. Anh rất bi quan về đất nước hiện nay nhưng ngược lại rất lạc quan tin tưởng vào thế hệ trẻ. Anh có một niềm tin tuyệt đối vào thế hệ trẻ vì anh cho rằng không ai khác hơn là thế hệ này nắm chìa khoá tương lai vận mệnh đất nước, được thịnh hay suy.

Dân tộc Việt Nam khó thoát ra được khổ nạn chế độ độc tài nếu thế hệ trẻ không dấn thân. Những người đã từng tạo ra lịch sử trước đây thì đa số cũng đã ra thiên cổ hoặc đang đứng bên vỉa hè lịch sử. Thế hệ kế tiếp (Nguyễn Tiến Trung, Lê Công Định, Trần Huỳnh Duy Thức, Lê Thăng Long, Điếu Cày Nguyễn Văn Hải, AnhbaSG Phan Thanh Hải, LS Lê Trần Luật, LS Lê Thị Công Nhân, TS Cù Huy Hà Vũ, KS Đỗ Nam Hải, Nguyễn Ngọc Quang, Trần Khải Thanh Thủy, Trần Đức Thạch, Phạm Văn Trội, Vũ Văn Hùng, Đoàn Huy Chương, Nguyễn Hoàng Quốc Hùng, Đỗ Thị Minh Hạnh, Lê Trí Tuệ, Vũ Quang Thuận, người buôn gió Bùi Thanh Hiếu, mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, … kể sao cho hết) đã/đang lót đường, làm bản lề, và đòn bẫy cho thế hệ tiếp nữa nhảy vượt qua rào cản trì trệ, trơ lì, phản động của độc tài cộng sản.

Giới trẻ Việt Nam chắc chắn sẽ sánh vai ngang hàng với thế hệ trẻ Tunisia và Ai-cập đầy năng động, đoàn kết và phát kiến những chương trình và phương thức hành động bất bạo động tuyệt vời kêu gọi được quần chúng tham gia “vượt qua nỗi sợ” lật đổ chế độ độc tài áp bức.

Vì mệ Việt Nam đã quá chán ngán, cạn lời tán thán cộng sản là “cái quân vô hậu!”. Mẹ Việt Nam đang mong chờ tuổi trẻ khởi động toàn dân cùng đứng dậy đem cái hậu của tự do, dân chủ, phú cường về cho đất nước Việt Nam hậu-thuộc-địa, hậu-cộng sản.

© 2011 Vietsoul:21

[Loạt bài Phó Thường Dân: (1) Anh tám hồ hởi (2) Nôị-thực-dân (3) Sợ (4) Kỳ đà – cắc ké – kỳ nhông (5) Con dân – con cá – cò mồi (6) Bình vôi – bái vật – bà đồng (7) (Vô) Hậu (8) Gió mưa là chuyện của trời … (9) Vô liêm sỉ – man rợ – (10) Phế-anh-hùng (11) Luật Lệ(nh) … (12) Nhà em có nuôi một con két … (13) Cái nhà là nhà của ta … (14) Mèo – thỏ (15) phố vẫy (16) Mít tờ Đàm và Bác Hồ (17) Nín thở qua cầu]


CHÚ THÍCH:

[1] Non-aligned Movement, wikipedia

[2] Kẻ bị mất phép thông công, Nguyễn Mạnh Tường

[3] Cơm trắng, Phạm Lưu Vũ

[4]Cái đêm hôm ấy… đêm gì?”, Phùng Gia Lộc

[6] Speaker’s corner on the Nile, Thomas L. Friedman. Bản tiếng Việt “Dòng sông Nile